Sự nghiệp của một người phi công có thể bắt đầu từ khoảnh khắc một đứa trẻ ngước nhìn thấy chiếc máy bay nhỏ xíu trên bầu trời. Sự nghiệp của một nhà khoa học có thể bắt đầu từ khoảnh khắc nhìn thấy một chồi cây xanh bé xíu nhú lên từ vết nứt của một hạt mầm.
Có thể nói, ước mơ chính là mở đầu của câu chuyện chúng ta dùng cả cuộc đời phấn đấu để viết ra một câu kết có hậu. Biết là vậy nhưng vẫn có không ít ước mơ như trở thành phi hành gia, chinh phục vũ trụ... chỉ cần nghĩ đến thôi cũng bị coi là viển vông, hão huyền. Bởi mấy ai có thể đạt được điều đó?
Nhưng sự thực không phải như vậy, đặc biệt là khi chúng ta lắng nghe những lời chia sẻ của Trung tướng Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên đặt chân vào vũ trụ, tại sự kiện Space Faire do trường True North School phối hợp cùng Q4 Excellence tổ chức vào ngày 7/1 vừa qua. Với Trung tướng Phạm Tuân, giấc mơ "chạm đến bầu trời" sẽ không là gì quá to tát nếu như chúng ta dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Trung tướng Phạm Tuân
Sinh năm 1947
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Anh hùng Lao động Việt Nam (1980)
Anh hùng Liên Xô
Huân chương Lenin
Huân chương Hồ Chí Minh
Huy hiệu Bác Hồ
Giải thưởng Pyotr Đại đế
Huân chương Chiến công hạng Nhất
Khoa học vũ trụ có phải giấc mơ viển vông?
Ngày 23/7/1980, phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành Liên Xô Viktor Vasilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37. Ông trở thành người Việt Nam cũng như người châu Á đầu tiên thực hiện xứ mệnh cao cả này. Ít ai biết được rằng, xuất phát điểm Trung tướng không phải là người đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe để có thể du hành vũ trụ, nhưng bằng sự quyết tâm của mình, cuối cùng ông đã có thể "chạm đến bầu trời".
"Trước đây tôi không đủ sức khỏe để đi làm phi công. Nhưng trong khoảng thời gian trở thành bộ đội và được rèn luyện về mặt thể chất, sức khỏe của tôi đã được cải thiện rất nhiều. Kết hợp cùng với những yếu tố khác, cuối cùng tôi đã đáp ứng được tất cả các tiêu chí để trở thành một phi hành gia.
Nhớ lại khoảng thời gian trước khi bay vào vũ trụ, tôi đã phải luyện tập nhiều bài tập chẳng hạn như lộn ngược đầu xuống dưới đất và chân đưa lên trời mỗi ngày để làm quen với điều kiện khi ở trên vũ trụ. Ngoài ra, ban đêm ngủ không những không có gối mà còn phải kê chân giường cao hơn đầu giường một góc 15 - 20 độ", Trung tướng kể lại.
Trung tướng Phạm Tuân (bên trái) là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ
Với ngần ấy sự nỗ lực, ông đã tạo ra kỳ tích khi trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Đã 43 năm kể từ ngày ông thực hiện chuyến bay lịch sử đó, nhưng đến nay Trung tướng vẫn lưu lại trong mình rất nhiều kỷ niệm. Một trong số đó phải kể đến việc ăn uống của các phi hành gia. Khi ở dưới mặt đất, nếu muốn uống nước thì chúng ta có thể rót ra cốc, nhưng khi sống trên vũ trụ, đôi khi nước còn chẳng thể... đổ ra ngoài được, hoặc nó bay lơ lửng vì không có trọng lực.
Đã 43 năm kể từ ngày ông thực hiện chuyến bay lịch sử
Mặt khác, dù đã có người tiên phong trong lĩnh vực "chinh phục" bầu trời, nhưng đến nay trong mắt nhiều cá nhân, mong muốn trở thành phi hành gia du hành vũ trụ vẫn là điều viển vông. Theo quan điểm của Trung tướng Phạm Tuân, suy nghĩ này cần được thay đổi.
Trước đây, khi chưa có sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật thì ước mơ này đúng là... không có chút thực tế nào. Song ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của khoa học công nghệ, điện tử viễn thông... Điều đó đồng nghĩa với việc đam mê "chạm đến bầu trời" là hoàn toàn nằm trong tầm tay.
"Điều quan trọng là sự phấn đấu, nỗ lực của các bạn trẻ. Dù đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng nó không hề viển vông. Theo tôi, việc đầu tiên các bạn trẻ phải học hành thật tốt, thứ hai là luyện tập thể chất để có thể đáp ứng được yêu cầu khi bay lên vũ trụ. Cuối cùng là ý chí, mọi thứ đều sẽ trở nên khó khăn nếu như chúng ta không quyết tâm. 3 điều này cộng lại sẽ hình thành lên một giao điểm chung để ước mơ trở thành phi công vũ trụ thành hiện thực", Trung tướng chia sẻ.
Lời khuyên cho các bạn trẻ dám "mơ lớn"
Việc được tiếp xúc với thế hệ trẻ tương lai để truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm sống khiến Trung tướng vô cùng phấn khởi. Từ câu chuyện bắn rơi máy bay B52, đến việc là người Việt Nam và người châu Á đầu tiên bước chân vào vũ trụ, ông đều sẵn sàng chia sẻ để các bạn trẻ có thể hiểu thêm về thế giới bao la ngoài kia. Bằng những câu chuyện thực tế của mình, Trung tướng mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ Việt Nam trở thành phi công hơn nữa.
Mong mỏi đó của Trung tướng cũng hoàn toàn có cơ sở, bởi thế hệ trẻ bây giờ có điều kiện tốt để phát triển hơn so với thế hệ của ông rất nhiều. Đó chính là nền tảng quý giá để thế hệ mầm non tương lai của đất nước có thể phát triển. Song, nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì không đủ, bởi bên cạnh việc học tập trên lý thuyết sách vở, các bạn học sinh còn phải biết vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, sáng tạo là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ về câu chuyện của mình tại sự kiện Space Faire 2022
Trong lời khuyên gửi đến các bạn trẻ, Trung tướng Phạm Tuân cho rằng người trẻ phải biết vị trí của mình ở đâu, biết điểm mạnh điểm yếu của mình là gì. Thật ra ước mơ là miễn phí nhưng chúng ta phải biết đánh giá đúng thực lực của mình để có định hướng tốt, đặc biệt là những ai nuôi trong mình ước mơ chinh phục vũ trụ.
Ở một diễn biến khác, khi nhìn nhận một cách khách quan về lĩnh vực khoa học vũ trụ tại Việt Nam, Trung tướng cho rằng chúng ta vẫn chưa thực sự có quá nhiều thành tựu đáng kể. Các nhà khoa học của Việt Nam có tư duy, có khả năng nghiên cứu nhưng chưa có đủ điều kiện để phát huy hết khả năng của mình từ phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị... Do đó, ông tin tưởng vào thế hệ tiếp theo sẽ làm nên một Việt Nam phát triển hùng cường.
Ông tin tưởng vào thế hệ tiếp theo của đất nước sẽ làm nên một Việt Nam phát triển thịnh vượng