Thiếu gia sa cơ lỡ vận
Lý Phỉ, chàng trai Trung Quốc 34 tuổi là con duy nhất trong một gia đình khá giả. Bố anh điều hành một công ty có doanh thu tốt. Bản thân Lý Phỉ “tiền tiêu vặt không bao giờ thiếu, trong túi có 100-200 NDT là chuyện bình thường”. Thế nhưng những ngày tươi đẹp đó đột ngột kết thúc khi bố Lý Phỉ qua đời, trong nhà lại không có nhiều tiền tiết kiệm khi bố anh đã đầu tư hết tiền vào kinh doanh.
Lý Phỉ làm lái xe 5,6 năm nhưng cũng không kiếm được nhiều tiền. Bị bạn bè lôi kéo, anh cuốn theo những trò cờ bạc may rủi. Kiếm được nhanh nhưng mất cũng nhanh, Lý Phỉ một đêm mất toàn bộ 40.000 NDT tích cóp được, lại còn mang nợ 300.000 NDT. Trong nhà chỉ còn đúng 300 NDT, Lý Phỉ không dám đối mặt với gia đình và sự chỉ trích của dân làng.
Lý Phỉ nằm trên giường suy nghĩ mấy ngày liền không ăn, tự anh cảm thấy tác hại của cờ bạc chỉ sau tệ nạn ma túy. Anh không thể tiếp tục như vậy nữa vì gia đình anh cần một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Anh xin làm trong một nhà máy sứ, lương chỉ 1.500 NDT nên chẳng lo đủ chi phí cho gia đình. “Không nghiến răng kiên trì sẽ không có lối thoát”, Lý Phỉ tự nhủ. Người đàn ông này chăm chỉ luyện tay nghề, sau một năm cũng kiếm được 10.000 NDT. Dù mệt mỏi nhưng anh vẫn rất mãn nguyện, cảm thấy cuộc sống của mình đã nhìn thấy ánh sáng.
Thế nhưng mẹ Lý Phỉ lại mắc bệnh hiểm nghèo, một năm chạy chữa hết 40.000 - 50.000 NDT. Nợ cũ chưa trả, bệnh của mẹ phải chữa trị, gia đình vẫn cần phải sống, thu nhập của Lý Phỉ không thể kham nổi.
Bước ngoặt với xe trái cây
Một ngày đi làm về, Lý Phỉ chú ý đến những quầy bán trái cây bên đường. Không cần bàn bạc với gia đình, Lý Phỉ mua một xe tải nhỏ bằng 30.000 NDT từ thẻ tín dụng của mình và bắt đầu buôn trái cây. Người thân và bạn bè đều thấy hành động của Lý Phỉ quá mạo hiểm.
Lúc đầu, Lý Phỉ rất xấu hổ khi gặp người quen, thậm chí ngại ngùng khi bạn gái cũ hào phóng mua hàng cho mình. Nhưng rồi anh tự nhủ bản thân đang kiếm tiền nuôi gia đình bằng chính đôi bàn tay của mình nên không có gì phải xấu hổ.
Trước khi dựng quầy hàng, Lý Phỉ nghĩ rằng kinh doanh chỉ đơn giản là mua và bán, nhưng anh lại quên mất một bước trung gian đó là kho trái cây. Thời gian đầu, anh chỉ mua trái cây theo mùa như dưa hấu, còn những loại “hiếm” thì anh không dám bán.
Nhưng anh dần phát hiện ra rằng kết quả của việc quá “thận trọng” là không thu hút được mọi người và cũng không kiếm được tiền. “Chỉ nhiệt tình thôi thì chưa đủ để thành công trong kinh doanh, phải hỏi nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và trau dồi những kỹ năng”, Lý Phỉ nói.
Kỹ năng Lý Phỉ nói đến ở đây chính là cách bảo quản riêng cho từng loại trái cây, khả năng nhận dạng loại quả ngon "nhìn, ngửi, hỏi và nếm". Tuy vậy, với anh khó khăn nhất vẫn chính là kỹ năng bán hàng khi không cạnh tranh với người bán hàng rong khác.
Lý Phỉ nảy ra suy nghĩ kết bạn qua mạng xã hội WeChat với những khách hàng ghé qua mua, sau này họ muốn mua trái cây chỉ cần nhắn tin để giao hàng tận nơi. Dựa vào phương thức "WeChat + khách hàng", lượng khách hàng cũ quay lại mua hàng tăng đáng kể.
Người đàn ông này biết cách kết hợp bán trực tuyến và bán trực tiếp. Anh lắng nghe nhu cầu từng khách hàng để cải thiện chất lượng hoa quả, dịch vụ và sẵn sàng giao hàng khắp hang cùng ngõ hẻm. Kết quả, thu nhập hàng tháng đã lên mức 20.000 NDT.
Kiếm 300 triệu đồng trước Tết
Sau 1 năm kinh doanh với xe trái cây, Lý Phỉ cùng 3 người bạn chung vốn mở một cửa hàng và vẫn tiếp tục phát triển mô hình kết hợp bán hàng trực tiếp và trực tuyến. Ngành hàng trái cây tươi ở khu vực thành thị dần bùng nổ, cửa hàng Lý Phỉ đối mặt với thử thách là sự cạnh tranh khốc liệt.
“Tôi có một nguyên tắc, đó là trung thực”, người đàn ông 34 tuổi cho biết. Chỉ cần khách hàng không hài lòng, bất cứ lý do gì anh cũng sẵn sàng hoàn tiền và cho khách trả lại sản phẩm. Vì Lý Phỉ tin rằng khách hàng đã bỏ tiền ra nên họ nên được tận hưởng trải nghiệm tiêu dùng mà họ xứng đáng được hưởng. Chỉ bằng cách chọn tin tưởng khách hàng của mình, bạn mới có thể thiết lập mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau với khách hàng và công việc kinh doanh của sẽ lâu dài.
Sự chân thành thẳng thắn của Lý Phỉ được nhận xét là rất “khác người”. Bởi ít người bán hàng sẵn sàng nói rằng trái cây của họ không ngọt, nhưng Lý Phỉ thì quả quyết: "Chua là chua, ngọt là ngọt. Tôi luôn nói những gì tôi có. Mong rằng khách hàng sẽ cảm thấy giống như những gì tôi mô tả sau khi nếm thử trái cây”.
Chính nhờ dịch vụ tận tâm, cửa hàng của Lý Phỉ thu hút hàng nghìn khách hàng mới biết đến và hàng trăm khách hàng cũ quay lại. 10 ngày trước Tết năm ngoái, anh đã kiếm được 100.000 NDT (~343 triệu đồng).
Chân dung Lý Phỉ. Ảnh: Toutiao
Tuy nhiên, thị trường trái cây bão hòa ở khu vực thành thị vẫn khiến Lý Phỉ chịu áp lực lớn. Tình hình kinh doanh năm nay không khả quan do cạnh tranh giá quá khốc liệt vì nhiều cửa hàng mọc lên.
"Cơ hội không chờ đợi một ai. Chúng ta phải có con mắt tinh tường để tồn tại giữa những thay đổi”, Lý Phỉ bắt đầu hướng tầm nhìn của mình về thị trấn và thế giới rộng lớn hơn bên ngoài. Anh đã mở thêm được 1 chi nhánh tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở những nơi khác.
Với sự giúp đỡ của Lý Phỉ, 3 người bạn từng góp vốn vào cửa hàng trái cây cũng thành lập doanh nghiệp của riêng họ và công việc kinh doanh ngày càng phát đạt. Lý Phỉ cho biết dù chặng đường phía trước có khó khăn, anh vẫn sẽ nỗ lực: "Tôi không muốn sống một cuộc đời tầm thường. Miễn là tôi còn sống, tôi sẽ tiếp tục cố gắng bước tiếp về phía trước..."