Xã hội

Chuyến bay bị delay trên 5 tiếng: Hành khách có quyền gì theo quy định của Việt Nam?

Tóm tắt:
  • Thông tư 19/2023/TT-BGTVT quy định nghĩa vụ của hãng hàng không khi chuyến bay bị chậm, hủy.
  • Chuyến bay bị chậm là trên 15 phút so với lịch trình, hãng cung cấp thông tin, xin lỗi và lo ăn nghỉ.
  • Chuyến bay chậm trên 2 giờ hoặc 5 giờ đều có các quy định chuyển đổi hành trình hoặc hoàn tiền.
  • Chuyến bay bị hủy phải có thông báo trước 24 giờ và thực hiện bồi thường hoặc hoàn vé theo yêu cầu hành khách.
  • Trong mọi trường hợp, hãng phải thực hiện các nghĩa vụ bồi thường, hoàn tiền hoặc chuyển đổi phù hợp theo quy định.

Cụ thể, Thông tư 19/2023/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2023 quy định rõ nghĩa vụ của người vận chuyển hàng không (hãng hàng không) đối với hành khách trong những trường hợp chuyến bay bị hủy, chậm. 

Thông tư này nêu rõ: Chuyến bay bị chậm là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế muộn trên 15 phút so với thời gian kế hoạch trong lịch bay.

Trong trường hợp không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, người vận chuyển có nghĩa vụ cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách; xin lỗi hành khách và đảm bảo việc ăn, nghỉ, đi lại, cũng như chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không theo quy định trong Điều lệ vận chuyển và phải đảm bảo chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không.

Với chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên, trong phạm vi cung cấp dịch vụ của người vận chuyển, chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu liên quan (nếu có) cho hành khách.

Chuyến bay bị delay trên 5 tiếng: Hành khách có quyền gì theo quy định của Việt Nam?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Với chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên, trường hợp hành khách không yêu cầu người vận chuyển thực hiện nghĩa vụ theo quy định mà yêu cầu hoàn trả tiền vé, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách tại cảng hàng không hoặc tại các văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định.

Đối với chuyến bay chậm kéo dài, khi hành khách có yêu cầu, người vận chuyển phải thực hiện bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay theo quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Về chuyến bay bị hủy, Thông tư số 19/2023/TT-BGTVT quy định: Chuyến bay bị hủy được định nghĩa là việc không thực hiện một chuyến bay mà lịch bay để đặt chỗ, bán vé của chuyến bay này đã được công bố trên hệ thống bán vé đặt chỗ (CRS) của người vận chuyển trong vòng 24 giờ trước thời gian khởi hành dự kiến.

Trường hợp hành khách không được vận chuyển do lỗi của người vận chuyển và trường hợp chuyến bay bị hủy mà không được người vận chuyển thông báo trước cho hành khách, ngoài các nghĩa vụ tương tự như trường hợp chuyến bay bị chậm, người vận chuyển phải thực hiện các nghĩa vụ khác với hành khách.

Cụ thể, bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay theo quy định. 

Trong phạm vi cung cấp dịch vụ của người vận chuyển, chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu liên quan (nếu có) cho hành khách.

Nếu hành khách từ chối áp dụng điều trên, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách tại cảng hàng không hoặc tại các văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định.

Trường hợp hành khách từ chối các phương thức trên, người vận chuyển có thể thực hiện nghĩa vụ khác theo thoả thuận với hành khách.

Đối với chuyến bay khởi hành sớm (chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế sớm hơn 15 phút so với thời gian khởi hành theo kế hoạch trong lịch bay căn cứ), trường hợp do lỗi của người vận chuyển, hành khách đã được xác nhận chỗ nhưng không được vận chuyển và không nhận được thông báo về việc thay đổi thời gian khởi hành sớm hoặc không đồng ý với việc thay đổi thời gian khởi hành sớm, người vận chuyển có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tương tự như khi chuyến bay bị hủy.

Cùng với đó, việc hoàn vé cho hành khách cũng được áp dụng theo những trường hợp riêng. Theo đó, miễn trừ điều kiện hạn chế về hoàn vé và phí hoàn vé (nếu có).

Với vé hoàn toàn chưa được sử dụng, khoản chi hoàn sẽ bằng số tiền vé mà hành khách đã trả. 

Tiền vé bao gồm các khoản: giá dịch vụ vận chuyển; các khoản thuế, phí do Nhà nước quy định, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý, giá phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay mà hãng hàng không thu hộ; các khoản phụ thu khác có liên quan theo hóa đơn hợp pháp do hành khách cung cấp.

Vé đã được sử dụng một phần, khoản chi hoàn sẽ không thấp hơn chênh lệch giữa tiền vé đã trả và tiền vé, các dịch vụ khác đã sử dụng cho hành trình của hành khách.

Các tin khác

Nhà đầu tư chứng khoán "thót tim" trong phiên tàu lượn

Thị trường hôm nay (22/4) rung lắc và chao đảo mạnh khiến nhà đầu tư thót tim. Dù không có thông tin gì ảnh hưởng tiêu cực nhưng VN-Index có lúc lao dốc giảm tới gần 70 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy mạnh ở vùng giá thấp đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm vào cuối phiên.

Năm 2024, Masan High-Tech Materials đạt EBITDA 1.785 tỷ đồng, tăng 15%

Thái Nguyên, ngày 22/4/2025, tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2025, Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (mã cổ phiếu UpCOM: MSR) chính thức công bố định hướng chiến lược “Back to Basics – Tập trung vào giá trị cốt lõi”. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với bất ổn về nguồn cung các loại khoáng sản quan trọng, MHT củng cố nền tảng vốn tạo nên bản sắc và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: khai thác và chế biến khoáng sản, nhằm tạo ra giá trị bền vững cho cổ đông và đối tác.