Đây là yêu cầu về biên chế được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đặt ra đối với các địa phương trong việc sắp xếp đơn vị hành chính; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.

Các địa phương sẽ chuyển 100% biên chế cấp huyện để bố trí biên chế cấp xã
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã
Theo văn bản, Ban Chỉ đạo định hướng cụ thể về các nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, gồm 3 nhiệm vụ:
Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Cơ quan chủ trì xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Định hướng sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp xã thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo.
Về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Chỉ đạo định hướng các nội dung sau:
Đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư), Ban Chỉ đạo định hướng về cơ cấu tổ chức; nhiệm vụ, quyền hạn; biên chế.
Định hướng đối với chính quyền địa phương cấp xã: cơ cấu tổ chức; số lượng chức danh lãnh đạo; nhiệm vụ, quyền hạn.
Định hướng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc cấp xã.
Ban Chỉ đạo cũng có định hướng về biên chế; định hướng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố hiện nay; định hướng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Dự kiến bình quân mỗi cấp xã khoảng 32 biên chế
Về biên chế, các địa phương sẽ chuyển toàn bộ 100% biên chế cấp huyện để bố trí biên chế cấp xã, trong đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới; có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.
Trước mắt các địa phương sẽ giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã để bố trí làm việc tại cấp xã và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định.
Theo dự kiến biên chế bình quân của mỗi cấp xã khoảng 32 biên chế (không bao gồm khối đảng, đoàn thể). Trong đó, HĐND cấp xã 3 biên chế, UBND 3 biên chế, còn lại là các phòng và tương đương.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở phương án sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực tại cấp xã mới theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các địa phương có trách nhiệm bố trí chỉ tiêu biên chế về viên chức hưởng lương từ ngân sách trong tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.
Việc thực hiện tinh giản biên chế phải bảo đảm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, thực hiện đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa bàn.
Sau khi hoàn thành đơn vị hành chính các cấp, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu và hướng dẫn theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân.