Công nghệ

Cảnh báo SMS "tài khoản VCB Digibank bị khóa" được gửi từ tổng đài giả Vietcombank

Cuối tuần qua, nhiều khách hàng của ngân hàng Vietcombank đã nhận được tin nhắn lừa đảo đến từ tổng đài giả danh Vietcombank. Theo đó, kẻ gian đã sử dụng dịch vụ nhắn tin SMS Brand Name (tin nhắn hiển thị theo tên thương hiệu) để tạo niềm tin cho người nhận làm theo hướng dẫn.

Cụ thể, tin nhắn thông báo tài khoản VCB Digibank của người dùng đã bị khóa mà không rõ lý do. Để xác thực mở lại tài khoản, người dùng phải truy cập vào trang web như trong tin nhắn. Tất nhiên, trang web này là do kẻ gian tạo ra nhằm lấy cắp tài khoản người dùng, có giao diện nhái trang web chính chủ của Vietcombank (vietcombank.com.vn).

Cảnh báo SMS "tài khoản VCB Digibank bị khóa" được gửi từ tổng đài giả Vietcombank - 1

Cảnh báo của khách hàng Vietcombank.

"Cảnh báo mọi người, sáng nay Ngọc có nhận tin nhắn từ tổng đài ghi Vietcombank, thông báo tài khoản bị khóa. Nhấn vào link được gửi thì hiện ra web có màu nền xanh như của Vietcombank luôn. Yêu cầu nhập tên đăng nhập và mật khẩu???

Ngọc thoát ra, gọi cho hotline Vietcombank thì được thông báo là tài khoản bình thường. Đây là tin nhắn của các đối tượng lừa đảo công nghệ cao ở nước ngoài, đang thực hiện trên nhiều ngân hàng khác nhau, không chỉ riêng Vietcombank. Vậy nên mọi người cẩn thận nhé! Khi có tin nhắn tương tự thì gọi cho hotline ngân hàng cho chắc mọi người nhé!", chị C.T.B.Ngọc (một khách hàng của Vietcombank tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chia sẻ trên mạng xã hội.

Trước thực trạng này, sáng 28/3, ngân hàng Vietcombank đã phải phát thông báo "khẩn" có nội dụng: (CẢNH BÁO LỪA ĐẢO) Xuất hiện tinh nhắn giả mạo Vietcombank thông báo dịch vụ VCB Digibank bị khóa kèm ĐƯỜNG LINK GIẢ MẠO để chiếm đoạt thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản. Vietcombank KHÔNG gửi đường link đăng nhập VCB Digibank qua SMS. QUÝ KHÁCH TUYỆT ĐỐI KHÔNG BẤM VÀO LINK, KHÔNG CUNG CẤP THÔNG TIN.

Cảnh báo SMS "tài khoản VCB Digibank bị khóa" được gửi từ tổng đài giả Vietcombank - 2

Trang web lừa đảo nhái giao diện Vietcombank.

Trên thực tế, công nghệ hiện đại cho phép bất kỳ ai cũng có thể mua dịch vụ SMS Brand Name để nhắn tin tới những số điện thoại trong danh sách chỉ định, với tên người gửi cụ thể (Vietcombank, TPBank, Techcombank,...) thay vì số điện thoại như thông thường. Với việc cố ý sử dụng các tên trùng với tên của ngân hàng, các tin nhắn đó có thể được điện thoại gom nhóm hiển thị chung nhóm với các tin nhắn chính thức từ ngân hàng, rất dễ gây nhầm lẫn cho người dùng.

Đây là bài toán nan giải, chưa có giải pháp xử lý triệt để khi kẻ gian thuê dịch vụ SMS Brand Name quốc tế, thậm chí tự xây dựng hệ thống riêng để làm điều này. Do đó, để đảm bảo an toàn, cách tốt nhất lúc này vẫn là sự tỉnh táo, tinh ý từ chính người dùng khi đọc các tin nhắn, phân biệt đường link giả mạo và website chính thức,...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm