Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, sự phát triển chiều cao của trẻ diễn ra ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Đến khi ra đời, trẻ có thể cao (dài) 50 cm. Trong năm một tuổi, trẻ có thể tăng khoảng 25 cm chiều cao. Hai năm tiếp theo, mỗi năm bé có thể tăng 8-10 cm. Các năm sau đó trẻ cao thêm khoảng 5-6 cm mỗi năm. Đến tuổi dậy thì (8-13 tuổi ở bé gái và 9-14 tuổi ở bé trai), bé có thể cao đạt đỉnh 10-15 cm mỗi năm, tùythờiđiểm. Sau đó, trẻ sẽ tăng chậm lại chừng một vài cm mỗi năm, dừng hẳn ở tuổi trưởng thành.
Cũng theo bác sĩ Tùng, không có cách nào để biết chính xác một đứa trẻ sẽ cao bao nhiêu khi trưởng thành, nhưng có thể dự đoán phần nào chiều cao của con theo các cách khác nhau. Cụ thể, phụ huynh có thể tham khảo các cách sau đây:
Dựa vào chiều cao của bố mẹ: Có thể lấy chiều cao của bố và mẹ cộng lại, chia cho 2, sau đó trừ đi 7,5 cm nếu trẻ là con gái hoặc giữ nguyên giá trị trung bình nếu trẻ là con trai.
Công thức cấp số nhân: Đo chiều cao của bé trai khi bé 2 tuổi và bé gái khi bé 1,5 tuổi rồi nhân số đó với hệ số hai để có chiều cao của trẻ trong tương lai.
Đo tuổi xương: Cách tính chiều cao này còn được gọi là phương pháp Greulich-Pyle. Theo đó, chụp X-quang cổ tay, bàn tay trái của trẻ để đo tuổi xương rồi so sánh ảnh chụp X-quang các độ tuổi xương khác nhau, xác định thời gian phát triển của trẻ kéo dài bao lâu, trẻ bắt đầu dậy thì ở độ tuổi nào, chiều cao tương lai của bé ra sao...
Ngoài ra, phụ huynh có thể áp dụng công thức tính chiều cao tối đa của trẻ khi trưởng thành như sau:
Chiều cao của con trai = [(Chiều cao của bố + Chiều cao của mẹ) + 13 cm]/2
Chiều cao của con gái = [(Chiều cao của bố + Chiều cao của mẹ) – 13 cm]/2
Thông tin từ trang KidsHealth (Mỹ) cũng cho thấy, sự phát triển chiều cao của bé xảy ra ngay từ những năm tháng đầu tiên. Đến tuổi trưởng thành, trẻ có thể có chiều cao xấp xỉ bố mẹ nếu hai người có chiều cao tương đồng. Trong trường hợp bố mẹ có một người cao và một người thấp, chiều cao của trẻ sẽ nằm ở khoảng trung bình cộng của cả hai. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chiều cao của trẻ sẽ giống hoàn toàn với chiều cao của bố mẹ bỏi trẻ chỉ nhận được một số gen nhất định từ phụ huynh.
Cơ thể của trẻ sẽ phát triển theo một "lịch trình" riêng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động. Bác sĩ Tùng cho biết, thực tế bé vẫn có thể phát triển chiều cao vượt trội hơn so với ước tính ban đầu thông qua cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý...
"Gene di truyền chỉ quyết định khoảng 23% chiều cao của trẻ, gần 80% còn lại là do chế độ dinh dưỡng, vận động, môi trường sống... Do đó, nếu phụ huynh biết chủ động quan tâm từ sớm, trẻ có thể cao lớn vượt tiềm năng", bác sĩ Tùng nhấn mạnh.
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trẻ cần được bổ sung đa dạng, đầy đủ dưỡng chất, nhất là trong các giai đoạn vàng phát triển chiều cao (khi trẻ còn là bào thai, giai đoạn 0-2 tuổi, tuổi dậy thì). Theo đó, ưu tiên các dưỡng chất như canxi, phospho, kẽm, sắt, vitamin D, C, A... từ sữa, hải sản, trứng, thịt gà, cá hồi, ngũ cốc, yến mạch, các loại đậu, hạnh nhân, cà rốt, rau lá xanh, khoai lang, trái cây giàu khoáng chất,...
Ngoài ra, trẻ cần tránh lạm dụng thức ăn nhanh, thức ăn giàu carbohydrate, đường, chất béo bão,... Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên, khoảng 30 phút mỗi ngày, ngủ đủ giấc để kích thích cơ thể tiết hormone tăng trưởng.
"Mỗi trẻ là một cơ thể sống, có cơ hội phát triển chiều cao khác nhau. Thậm chí bé có thể đang mắc kèm các bệnh lý dinh dưỡng khác mà ba mẹ không biết. Do đó, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để kiểm tra toàn diện, xem trẻ có thiếu hụt bất kỳ dưỡng chất. Từ đó, bác sĩ sẽ có tư vấn, điều trị kịp thời, giúp trẻ tăng chiều cao tối ưu", bác sĩ Tùng cho biết.