Doanh nghiệp khẳng định sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên
Sáng 15/4, hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các chủ tịch, tổng giám đốc một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được tổ chức với chủ đề "Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng".
Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay từ 8% trở lên, để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia (Petrovietnam), cho biết dầu khí là ngành chịu ảnh hưởng rất mạnh từ xu hướng công nghệ, dịch chuyển năng lượng. Lĩnh vực này cũng nhạy cảm với các vấn đề về địa chính trị như thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ, tỷ giá, lãi suất...
Tuy nhiên, tập đoàn vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%. Theo đó, nhiều kịch bản tăng trưởng được Petrovietnam đưa ra, gồm kịch bản xấu nhất khi giá dầu giảm còn 55 USD, phân bổ nguồn lực và đưa ra chính sách quản trị rủi ro. Tập đoàn cũng tập trung đa dạng, cơ cấu lại thị trường, liên kết chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế trong nước.
Ông Hùng tiết lộ rằng Petrovietnam đang chốt các điều khoản cuối cùng, dự kiến tháng 6 ký 2 hợp đồng xuất khẩu liên quan đến công nghiệp năng lượng sang Đông Bắc Á và châu Âu khoảng 1 tỷ USD. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ông kiến nghị Chính phủ cơ cấu lại chính sách thuế với tài nguyên, đặc biệt với khí, để thúc đẩy các dự án lớn đưa vào khai thác.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP).
Tương tự, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khẳng định nhiệm vụ đầu tiên và trên hết là đảm bảo cung ứng đủ điện cho tăng trưởng kinh tế 8%, thậm chí 2 chữ số.
Lãnh đạo EVN khẳng định rằng tập đoàn coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng để đảm bảo cung ứng điện cho các địa phương và nói thêm rằng họ đồng thời tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, giảm lãi suất tiêu hao nhiên liệu và các chi phí khác.
Trong khi đó, ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), đề xuất Chính phủ sớm cho phép thực hiện không đấu giá quyền khai thác khoáng sản với các mỏ đồng ở Lào Cai, mỏ bô xít tại Lâm Đồng, Đắk Nông. Việc này để việc thăm dò, lập dự án đảm bảo được tiến độ theo tiêu chí quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đến 2030 đã được duyệt.
Theo ông Ngân, các nhà máy đang hoạt động, nếu không được mở rộng, gia hạn hoặc cho phép quyền trên thì sẽ không đảm bảo phát triển và mức tăng trưởng 8% của tập đoàn.
Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội thị trường nội địa 100 triệu dân
Với vai trò là doanh nghiệp công nghệ, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho biết tập đoàn này đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu năm nay trên 8%.
Theo đó ông Thắng bày tỏ mong muốn sớm được hiện thực hóa các chủ trương, chương trình hành động cụ thể triển khai nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, làm nền tảng kết nối các doanh nghiệp với nhau.
Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Lưu Trung Thái thì kiến nghị Nhà nước ưu tiên các cơ hội về chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho doanh nghiệp nhà nước nhằm phát huy tính dẫn dắt. Qua đó, doanh nghiệp Nhà nước được cho phép có chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân; dựa vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư cho chuyển đổi số.

Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp cần tận dụng thị trường nội địa 100 triệu dân (Ảnh: VGP).
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các doanh nghiệp Nhà nước phải làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội thị trường nội địa 100 triệu dân, tăng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới hoạt động, quản trị thông minh, giảm chi phí quản lý.
Với các bộ ngành, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tháo gỡ ngay vướng mắc thể chế, nhất là quy định liên quan Luật Quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và tăng phân cấp, phân quyền. Nhà điều hành sẽ rà soát, loại bỏ toàn bộ các thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp, giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.
Ngành ngân hàng phải ổn định tỷ giá, giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực và khoanh, giãn, hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn.
Năm ngoái, tổng tài sản của 671 doanh nghiệp nhà nước (473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% và 198 đơn vị trên 50%) đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023.
Các doanh nghiệp này có tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%. Lợi nhuận trước thuế gần 227.500 tỷ đồng, tăng 8%. Họ nộp ngân sách Nhà nước gần 400.000 tỷ, tăng 9%.