Theo báo cáo vĩ mô và thị trường tháng 9 của Chứng khoán BIDV (BSC), sau giai đoạn tăng điểm ấn tượng trong tháng 8, VN-Index và HNX-Index quay đầu giảm sâu trong tháng 9. Cả hai chỉ số chứng kiến những phiên giảm điểm liên tiếp với biên độ lớn. Đà giảm kéo dài trong suốt tháng 9 và thiết lập vùng đáy ngắn hạn mới trong năm nay.
VN-Index và HNX-Index giảm lần lượt 11,59% và 14,27% so với tháng 8. So với quý II, cả 2 chỉ số chứng kiến mức giảm lần lượt là 5,47% và 9,88%. Kết thúc tháng 9 VN-Index đã thiết lập vùng đáy mới ở ngưỡng 1.130 điểm, đánh dấu mức thấp nhất trong năm 2022.
P/E VN-Index kết thúc tháng 9 ở mức 12,2 lần, giảm 11,31% so với tháng 8, và thấp hơn mức 16,19 lần P/E bình quân 5 năm. P/E VN-Index tiếp tục ở vùng định giá hấp dẫn khi đứng thứ 7 châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 15,11 lần – đứng thứ 13 khu vực.
BSC dự báo P/E VN-Index vận động trong vùng 12,5 - 12,8 trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng 1.150-1.180 điểm bên cạnh kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp.
Vốn hóa toàn thị trường quý III giảm 5,21% so với quý trước
Trong quý III thị trường chứng kiến thanh khoản cải thiện trong tháng 8 với nhịp tăng điểm ấn tượng tuy nhiên trước diễn biến không tích cực từ thế giới tâm lý tiêu cực, bán tháo đã quay trở lại trong tháng 9. Thị trường trải qua nhiều phiên rung lắc mạnh khiến VN-Index mất mốc SMA50 và 100 ngay từ giữa tháng và kéo dài đà giảm đến hết tháng.
Lực cầu tại ngưỡng 1.100 đóng vai trò hỗ trợ tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro trong giai đoạn còn lại của năm 2022.
Giá trị giao dịch bình quân đạt 666 triệu USD/phiên – giảm mạnh 21,45% so với quý II. Thanh khoản sụt giảm mạnh trong tháng 9 mặc dù có sự cải thiện trong tháng 8, đặc biệt ngày 21/9 VN-Index chứng kiến giá trị giao dịch khớp lệnh dưới mốc 10 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,7 - 0,9 tỷ USD/phiên trong kịch bản tích cực.
Nhận định về diễn biến thị trường tháng 10, nhóm phân tích của BSC đưa ra 2 kịch bản.
Trong kịch bản lạc quan, tâm lý ổn định trở lại sau chuỗi giảm điểm kéo dài trong tháng 9 kết hợp cùng thanh khoản có dấu hiệu cải thiện với lực cầu tham gia tốt khi chỉ số và các nhóm cổ phiếu ở vùng định giá hấp dẫn, VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.150 - 1.180 điểm.
Khối ngoại thu hẹp tốc độ bán ròng bên cạnh các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế tiếp tục duy trì tín hiệu khởi sắc. Các biện pháp bình ổn giá cả, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tiến trình triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ hiệu quả, thực chất hơn so với giai đoạn trước đó. Thị trường được dự báo sẽ phân hóa khi các doanh nghiệp bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý III.
Với kịch bản còn lại, tâm lý bi quan và tiêu cực về nỗi lo suy thoái kinh tế thế giới cũng như các thông tin không mấy tích cực xuất hiện nhiều hơn có thể khiến hoạt động rút vốn khỏi thị trường chứng khoán tiếp tục diễn ra để hướng đến các kênh tài sản ít rủi ro hơn.
Nhịp độ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trong công cuộc chống lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại bên cạnh tín hiệu khởi sắc từ nền kinh tế Trung Quốc chưa thực sự rõ rệt. Mặt khác, căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine đang bước vào giai đoạn mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ tác động tiêu cực đến thế giới. VN-Index dự báo dao động trong vùng 1.000 - 1.050 điểm.