Theo Bloomberg, các nguồn tin thân cận tiết lộ Bắc Kinh đã yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc tạm dừng nhận thêm máy bay từ Boeing, đồng thời cấm nhập khẩu linh kiện máy bay từ các công ty Mỹ. The Wall Street Journal đưa tin thêm rằng giới chức Trung Quốc hiện yêu cầu các hãng hàng không phải được phê duyệt trước khi nhận các đơn hàng đã đặt.
Đại diện Boeing từ chối bình luận về thông tin này khi được Newsweek liên hệ.
Ông Liu Pengyu, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, cho biết ông không nắm rõ chi tiết về vụ việc liên quan đến Boeing. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Trung Quốc luôn khẳng định không có bên nào thắng trong chiến tranh thuế quan hay thương mại. Việc áp thuế cao hay sử dụng áp lực không phải cách hợp lý để làm việc với Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Mỹ từ bỏ chiến thuật gây áp lực và giải quyết bất đồng qua đối thoại bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi.”

Mô hình máy bay của Boeing. Ảnh: AP
Tác động đến Boeing
Việc Trung Quốc nhắm vào Boeing được xem là động thái leo thang mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nếu thông tin được xác nhận, đây sẽ là cú đòn mạnh đối với Boeing, vốn đang vật lộn với chậm trễ sản xuất và khó khăn tài chính sau năm 2024 đầy biến động, khi công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 11,8 tỷ USD – mức lỗ lớn thứ hai trong lịch sử.
Theo phân tích của Bernstein, được The Wall Street Journal trích dẫn, việc tạm dừng giao hàng cho Trung Quốc có thể khiến Boeing thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD dòng tiền trong năm nay. Tuy nhiên, chuyên gia hàng không Addison Schonland nhận định tác động tức thời có thể không quá lớn, do Trung Quốc chưa đặt hàng máy bay mới của Boeing kể từ tháng 9/2021 và cơ quan quản lý hàng không nước này đã làm chậm tiến độ giao hàng từ lâu.
Dù vậy, động thái này làm gia tăng áp lực lên Boeing, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump gây ra phản ứng trả đũa từ các đối tác thương mại. Tuần trước, thuế nhập khẩu 125% áp lên hàng hóa Mỹ và thuế 145% áp lên hàng Trung Quốc đã khiến giá máy bay và linh kiện Boeing tăng gấp đôi, theo Axios.
Lo ngại từ lãnh đạo Boeing
CEO Boeing Kelly Ortberg từng bày tỏ sự lạc quan rằng hoạt động sản xuất tại Mỹ sẽ giúp công ty tránh được tác động từ các biện pháp thương mại của chính quyền Trump. Tuy nhiên, tại một phiên điều trần gần đây về an toàn hàng không tại Thượng viện, ông thừa nhận các hành động trả đũa từ các đối tác có thể gây tổn hại. Ông nói: “80% máy bay thương mại chúng tôi giao là cho thị trường quốc tế, nên thương mại tự do rất quan trọng. Chúng tôi là công ty xuất khẩu tiêu biểu, tạo ra việc làm giá trị cao tại Mỹ.”
Trong báo cáo thường niên 2024, Boeing cảnh báo nếu không thể giao hàng cho Trung Quốc như kế hoạch hoặc không nhận thêm đơn hàng từ thị trường này, công ty có thể đối mặt với giảm giao hàng và mất thị phần. Những biến động trong quan hệ địa chính trị hoặc thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của Boeing.
Tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc
Hiện tại, các hãng hàng không Trung Quốc chỉ chiếm 51 trong số 334 máy bay Boeing giao trong năm 2024. Tuy nhiên, theo Reuters, ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc dự kiến nhận 179 máy bay từ năm 2025 đến 2027. Thị trường Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong chiến lược tăng trưởng dài hạn của Boeing. Trong triển vọng thị trường giai đoạn 2024-2043, Boeing dự đoán sẽ giao 8.830 máy bay cho Trung Quốc, chiếm khoảng 20% tổng giao hàng toàn cầu.
Chuyên gia Schonland, nhà sáng lập AirInsight, cho rằng Boeing có thể tập trung vào ngắn hạn, khi tranh chấp thương mại có thể sớm được giải quyết. Với lượng đơn hàng tồn đọng kéo dài bảy năm, Boeing vẫn có thể duy trì sản xuất và đáp ứng nhu cầu từ các khách hàng ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức lớn hơn, do thiếu lựa chọn thay thế để trang bị đội bay. Airbus, đối thủ của Boeing, cũng đang gặp khó khăn về sản xuất, trong khi Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu.
Boeing, với vai trò là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, đang được xem là yếu tố không thể bỏ qua trong chiến lược thương mại của chính quyền Trump. Nhà phân tích Ronald Epstein từ Bank of America nhận định: “Chúng tôi không bất ngờ trước động thái của Trung Quốc, nhưng điều này là không bền vững. Chính quyền Trump cần cân nhắc vai trò của Boeing trong cán cân thương mại.”