Thông tin được TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đưa ra bên lề Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc tổ chức tại Hải Dương, ngày 18-19/4.
Theo ông Đức, thời gian qua, tình trạng sữa giả, thuốc giả diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Đáng lo ngại, một số sản phẩm sữa từ công ty bị điều tra vì sản xuất sữa giả xuất hiện trong bệnh viện và được sử dụng cho người bệnh.
“Chúng tôi yêu cầu các bệnh viện phải rà soát việc sử dụng sữa, làm rõ bắt đầu từ thời điểm nào, sử dụng cho nhóm nào, đảm bảo có thông tin cụ thể người đã dùng. Nếu phát sinh vấn đề sức khỏe liên quan đến sản phẩm sữa, cơ sở y tế có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho người bệnh,” ông Đức nói.

TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).
Liên quan trách nhiệm kê đơn, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết Bộ Y tế đã ban hành quy chế rõ ràng. Trong trường hợp bác sĩ vi phạm quy định kê đơn, sẽ bị xử lý theo mức độ — từ hành chính đến hình sự nếu nghiêm trọng.
“Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không bao che sai phạm nếu được cơ quan chức năng phát hiện,” ông Đức nhấn mạnh.
Dự kiến đầu tuần tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản yêu cầu giám đốc các bệnh viện rà soát, chấn chỉnh công tác kê đơn, bán thuốc và cung cấp dịch vụ trong bệnh viện. Người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Ông Đức cũng cho biết, hiện Bộ đã ban hành các danh mục kỹ thuật về dinh dưỡng lâm sàng trong Thông tư mới nhất năm 2024, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa hướng dẫn để hỗ trợ bác sĩ và người bệnh. Bộ đã ban hành nhiều hướng dẫn lâm sàng về sử dụng dinh dưỡng cho bệnh nhân suy kiệt, trong đó có vai trò của sữa.
“Ở các nước phát triển, lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng rất được chú trọng. Việt Nam còn đi sau nhưng đang nỗ lực hoàn thiện,” ông nói.
Trước đó, một số bệnh viện sau khi rà soát đã phát hiện sản phẩm sữa của công ty bị điều tra về sản xuất sữa giả từng được lưu hành nội bộ. Các đơn vị này khẳng định đã thực hiện đầy đủ quy trình đấu thầu, và chủ động dừng tư vấn sản phẩm tại các khoa phòng ngay sau khi phát hiện nghi vấn. Số sữa đã nhập được thu hồi, trả lại nhà cung cấp.
Các bệnh viện này cho biết, nếu cơ quan chức năng kết luận sản phẩm là hàng giả, bệnh viện cũng là bên bị hại và sẽ đồng hành cùng người bệnh để đòi lại quyền lợi chính đáng.

Sữa Hapomil do Công ty dược quốc tế Rance Pharma sản xuất. (Ảnh: BVCC)
Liên quan vụ việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành công điện yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xử lý vụ sản xuất, buôn bán thuốc và sữa giả. Thủ tướng đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ trong quá trình điều tra, bởi đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu thu hồi triệt để các loại thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời và giảm thiểu tác hại đối với người sử dụng.