Tuần trước, tờ báo The Times of India dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết Apple đã vội vã huy động 5 chuyến bay vận tải để chuyển một lượng lớn iPhone từ các nhà máy tại Ấn Độ và Trung Quốc.
Các lô hàng này được chuyển về Mỹ vào những ngày cuối tháng 3, ít ngày trước thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố về mức thuế nhập khẩu mới áp dụng cho hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia chịu mức thuế cao.
Hãng tin Bloomberg mới đây đã cung cấp những thông tin rõ hơn về lô hàng "chạy thuế" của Apple.

Apple đã vội vã nhập về Mỹ 1,5 triệu chiếc iPhone để "chạy thuế" (Ảnh: USAToday).
Theo đó, Apple đã nhanh chóng vận chuyển 600 tấn iPhone, tương đương 1,5 triệu chiếc, từ Ấn Độ và Trung Quốc về Mỹ. Lượng hàng này sẽ được chứa trong kho dự trữ của Apple tại Mỹ nhằm bình ổn giá sản phẩm, ngay cả khi mức thuế nhập khẩu mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump có hiệu lực.
Các nhà phân tích dự đoán giá iPhone tại Mỹ có thể sẽ tăng vọt trong thời gian tới, khi nhà máy lắp ráp iPhone chủ yếu đặt tại Trung Quốc, quốc gia bị Mỹ đánh thuế nhập khẩu lên đến 125%.
"Giá của iPhone và các sản phẩm của Apple tại Mỹ có thể sẽ tăng lên gấp đôi trong thời gian tới, vì hơn 95% sản phẩm của Apple được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc", David McQueen, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường ABI Research, nhận xét.
Không chỉ Apple hối hả nhập sản phẩm về Mỹ để "chạy thuế", người dùng tại Mỹ cũng gấp rút mua iPhone và các sản phẩm của Apple để đề phòng mức giá sản phẩm tăng cao do ảnh hưởng của mức thuế mới.

Người dùng tại Mỹ gấp rút mua iPhone vì lo ngại mức giá tăng cao do ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu (Ảnh: Cnet).
Hãng tin Bloomberg dẫn lời một nhân viên của Apple cho biết lượng mua iPhone tại các cửa hàng tăng đột biến trước thời điểm mức thuế nhập khẩu mới có hiệu lực. Nguồn tin cho biết lượng mua iPhone vào dịp đầu tháng 4 đã tăng vọt, tương đương với thời điểm mua sắm cuối năm.
Ngoài Apple, các hãng công nghệ Mỹ có nhà máy đặt tại các quốc gia chịu mức thuế cao như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan… cũng đang phải tìm những giải pháp để ứng phó với mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ.
Tờ Nikkei Asia cho biết Dell, Microsoft, HP và Lenovo cũng đã gấp rút vận chuyển càng nhiều sản phẩm cao cấp, chẳng hạn các mẫu máy tính có giá trên 3.000 USD, về Mỹ nhằm tránh mức thuế nhập khẩu mới.
Một số hãng máy tính của Mỹ như Razer, Framework… đã tạm dừng bán sản phẩm tại Mỹ để điều chỉnh lại giá bán phù hợp với mức đánh thuế mới.
Thuế nhập khẩu tại Mỹ sẽ được áp dụng dựa trên nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, tức là nơi sản xuất, chứ không phụ thuộc vào quốc tịch của công ty sở hữu. Do đó, các công ty của Mỹ đặt nhà máy sản xuất tại nước ngoài cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mức thuế đối ứng mới được công bố.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạm ngưng áp dụng mức thuế đối ứng với các quốc gia, trừ Trung Quốc, trong vòng 90 ngày để đàm phán lại mức thuế phù hợp.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ không áp dụng mức thuế nhập khẩu cao như đã công bố và điều này đang khiến chính các công ty của Mỹ phải "đau đầu".