Xã hội

Cả nước sẽ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương

Tóm tắt:
  • Ban Chấp hành Trung ương quyết định giảm số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34.
  • Mục tiêu là xây dựng chính quyền địa phương hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại và thúc đẩy phát triển kinh tế.
  • Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025.
  • Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ được sắp xếp, hợp nhất và giảm công đoàn phí.
  • Quốc hội và Chính phủ cần phối hợp để hoàn thiện thể chế và thực hiện các quy định mới từ 1/7.

Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 11 khóa 13 chiều 12/4, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc sắp xếp này được thực hiện với tinh thần "khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn và có tầm nhìn 100 năm", nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cho đất nước.

Mục tiêu của việc sắp xếp là xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển kinh tế (chú trọng kinh tế tư nhân), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao đời sống nhân dân.

"Nhiều đồng chí băn khoăn vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và sắp xếp nhân sự Đại hội. Các cơ quan Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn. Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác", Tổng Bí thư nói.

Ông yêu cầu Ban Thường vụ cấp tỉnh (có sáp nhập, hợp nhất) phải bàn kỹ với nhau vấn đề này để tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập. Những vấn đề chưa thống nhất thì Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân công phụ trách địa bàn sẽ hướng dẫn, chỉ đạo. Các tỉnh cũng cần phân công thành viên cấp ủy tỉnh hướng dẫn chỉ đạo Đại hội cấp xã.

Sau khi Trung ương thống nhất, Chính phủ và địa phương sẽ xây dựng phương án chi tiết việc sáp nhập tỉnh, thành, xác định tên gọi, trung tâm hành chính mới, để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5-6.

Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11, chiều 12/4. (Ảnh: TTXVN)

Cấp huyện sắp chấm dứt hoạt động

Theo chủ trương đã được Trung ương thống nhất cao, chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu). Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025. Dự kiến, cả nước sẽ giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Trung ương cũng đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện.

Với mô hình hành chính mới này, cấp tỉnh sẽ có vai trò vừa thực hiện các chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa ban hành các chính sách phù hợp với tình hình địa phương và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, cấp xã sẽ tập trung thực hiện các chính sách từ Trung ương và cấp tỉnh ban hành. Đồng thời, cấp xã sẽ được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật và các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.

Sáp nhập Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng

Trung ương đã thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn và hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cả cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã. Đồng thời, Trung ương cũng chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang và giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Ban Chấp hành Trung ương cũng nhất trí về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và pháp luật liên quan đến chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ việc sắp xếp bộ máy. Các văn bản pháp luật này cần hoàn thành trước ngày 30/6 và có hiệu lực từ ngày 1/7.

Các quy định mới sẽ có thời gian chuyển tiếp để đảm bảo hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn, phù hợp với lộ trình sắp xếp, sáp nhập. Trung ương yêu cầu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả việc hoàn thiện thể chế.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng, bao gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại thuộc diện sắp xếp, trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Một số phương án sáp nhập đang được nghiên cứu như Đà Nẵng và Quảng Nam; Bắc Giang và Bắc Ninh; Hải Phòng và Hải Dương; Lào Cai và Yên Bái.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Nhiều doanh nghiệp bị hủy đơn hàng do áp lực thuế quan Mỹ

Thủ phủ công nghiệp tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề vì chính sách thuế quan từ Mỹ. Hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) bị hủy đơn hàng. Trong bối cảnh này, Bình Dương đã có động thái hỗ trợ DN với hy vọng ổn định tình hình.

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Kỹ thuật mới: Lần đầu Việt Nam điều trị khối u ác tính không cần phẫu thuật

Ngày 12/4, tại Hội nghị Khoa học giới thiệu kỹ thuật mới tổ chức tại Hà Nội, GS. Nguyễn Viết Tiến - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia, công bố Việt Nam đã áp dụng thành công phương pháp điều trị khối u bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao dưới hướng dẫn của siêu âm (US - HIFU). Đây là lần đầu tiên kỹ thuật tiên tiến này được triển khai tại Việt Nam.