Bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trào lưu ăn trứng cút rang muối nguyên vỏ đang trở nên phổ biến trên mạng xã hội thời gian gần đây, nhưng lại tiềm ẩn không ít rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng nếu không được chế biến và xử lý đúng cách.

Trứng cút rất tốt nhưng ăn trứng cút rang muối nguyên vỏ tiềm ẩn không ít rủi ro đối với sức khỏe
Ảnh: AI
Ăn nguyên vỏ trứng cút rang muối nguy cơ gây trầy xước niêm mạc miệng
Bác sĩ Ngọc Mai cho biết, vỏ trứng là phần thường bị bỏ đi vì dễ bị nhiễm vi khuẩn như Salmonella, E. coli, hay các vi khuẩn khác từ môi trường bên ngoài trong quá trình vận chuyển, bảo quản. Nếu không được rửa sạch, khử khuẩn và nấu chín hoàn toàn, việc ăn nguyên vỏ có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, gây tiêu chảy, đau bụng hoặc thậm chí là ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, món trứng cút rang muối còn sử dụng lượng lớn muối và gia vị đậm, điều này không có lợi cho những người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch, hoặc đang theo chế độ ăn hạn chế natri. Việc tiêu thụ thường xuyên những món ăn chế biến kiểu “trend” như vậy dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng và tăng nguy cơ các bệnh chuyển hóa nếu không được kiểm soát hợp lý.
Về mặt khoa học, vỏ trứng chủ yếu được cấu tạo từ canxi cacbonat (CaCO₃) - chiếm khoảng 95% trọng lượng vỏ - cùng với một lượng nhỏ protein và các khoáng chất khác. Tuy nhiên, cơ thể con người không thể hấp thu canxi từ vỏ trứng một cách hiệu quả khi ăn trực tiếp, đặc biệt nếu vỏ không được xử lý (nghiền mịn, nung hoặc tiệt trùng đúng quy chuẩn). Trong các nghiên cứu dinh dưỡng, vỏ trứng chỉ được dùng làm nguồn canxi bổ sung sau khi được xử lý công nghiệp để đảm bảo an toàn và sinh khả dụng. Do đó, việc ăn nguyên vỏ trứng rang muối không mang lại giá trị dinh dưỡng đáng kể nào, ngược lại còn tiềm ẩn nguy cơ gây trầy xước niêm mạc miệng, họng hoặc đường tiêu hóa do cạnh sắc của vỏ trứng.

Trứng cút và trứng gà đều tốt cho sức khỏe
Ảnh: AI
5 quả trứng cút tương đương với một quả trứng gà về lượng calo
Theo bác sĩ Ngọc Mai, mỗi quả trứng cút nặng khoảng 9-10 gram, trong đó chứa khoảng 1,2-1,4 gram protein, khoảng 14-15 kcal năng lượng, cùng một số vitamin như A, B12, riboflavin, sắt và selen. So sánh với trứng gà, thì trứng cút có hàm lượng protein và vi chất cao hơn tính theo đơn vị trọng lượng, nhưng do kích thước nhỏ, người ăn thường tiêu thụ nhiều quả trong một lần ăn. Ví dụ, ăn 5 quả trứng cút tương đương với một quả trứng gà về lượng calo, nhưng lại chứa đến khoảng 6-7 gram protein và khoảng 380 mg cholesterol - vượt ngưỡng khuyến nghị cholesterol hằng ngày đối với người trưởng thành. Vì vậy, nếu tiêu thụ quá nhiều trứng cút cùng lúc, đặc biệt là dưới hình thức chiên hoặc rang muối nhiều dầu mỡ, sẽ dễ dẫn đến dư thừa năng lượng, chất béo bão hòa và cholesterol trong khẩu phần ăn.
Tóm lại, trứng cút là một thực phẩm bổ dưỡng khi được sử dụng một cách hợp lý và chế biến đúng cách. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên chạy theo các trào lưu ăn uống thiếu kiểm chứng như ăn trứng cút rang muối nguyên vỏ. Vỏ trứng không phải là nguồn canxi hiệu quả và có thể gây hại nếu ăn trực tiếp. Để đảm bảo an toàn và dinh dưỡng, người tiêu dùng nên sử dụng trứng cút bằng các phương pháp lành mạnh như luộc hoặc hấp, đồng thời kiểm soát số lượng tiêu thụ mỗi lần ăn. Sự cân bằng và khoa học trong chế độ ăn uống luôn là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe lâu dài.