Thời sự

Amazon: Đế chế 1.400 tỷ USD nhưng không được Jeff Bezos coi trọng, cuối cùng chỉ xếp sau giấc mộng vũ trụ và ‘tiểu tam nóng bỏng’

Được thành lập vào năm 1994 với ý tưởng ban đầu chỉ là một cửa hàng sách trực tuyến, Amazon, dưới bàn tay Jeff Bezos đã trở thành công ty thương mại điện tử khổng lồ khiến toàn bộ thị trường bán lẻ toàn cầu thay đổi.

Ít ai biết được rằng trước khi trở thành đế chế trị giá 1.400 tỷ USD, Amazon đã từng bước những bước đi chập chững vào đúng thời điểm người dân Mỹ chưa có nhiều ý niệm về mua sắm online. Internet khi đó cũng không hề phổ biến và nhiều người còn không có máy tính bàn để sử dụng.

ĐẾ CHẾ VỚI TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN KHỦNG KHIẾP

Jeff Bezos là một trong số ít người nhận ra tiềm năng đó. Ông đăng ký thành lập một công ty kinh doanh sách trực tuyến có tên Cadabra, sau đó nhanh chóng đổi tên thành Amazon - tên dòng sông lớn nhất thế giới. Sau 3 năm hoạt động, Amazon niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng, trong sự hoài nghi của giới đầu tư về tương lai ngành thương mại điện tử. Khi đó, người lạc quan nhất cũng không ngờ được rằng Amazon, một ngày nào đó, đã trở thành một trong những gã khổng lồ có sức ảnh hưởng nhất nhì nước Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn, Bezos tâm sự: "Tôi đã giật mình sau khi đọc báo cáo các số liệu về việc sử dụng Internet vào năm 1994. Chúng tăng trưởng quá nhanh và điều đó cực kỳ bất thường’’. Chính sự bất thường này đã giúp lượng khách hàng của Amazon, trong vòng 5 năm đầu tiên, tăng từ 200.000 lên 5,4 triệu.

Amazon: Đế chế 1.400 tỷ USD nhưng không được Jeff Bezos coi trọng, cuối cùng chỉ xếp sau giấc mộng vũ trụ và ‘tiểu tam nóng bỏng’ - Ảnh 1.

Amazon được thành lập vào năm 1994 với ý tưởng ban đầu chỉ là một cửa hàng sách trực tuyến

Những nhà đầu tư thông minh, kiên nhẫn hoặc đủ may mắn mua cổ phiếu Amazon từ đợt IPO năm 1997 và giữ chúng cho tới ngày hôm nay, chắc chắn sẽ hái được trái ngọt khổng lồ. Theo tính toán của Statista, với khoản đầu tư ban đầu 1.000 USD, đủ để mua 55 cổ phiếu Amazon với giá 18 USD vào tháng 5/1997, sau 24 năm sẽ có giá hơn 2 triệu USD.

Trong một phiên giao dịch hồi đầu tháng 2/2022, cổ phiếu gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến và điện toán đám mây này còn tăng kỷ lục 13,5% sau báo cáo lợi nhuận vượt dự báo, qua đó nâng giá trị vốn hóa Amazon thêm khoảng 190 tỷ USD.

Theo công ty thu thập dữ liệu Refinitiv (Mỹ), mức tăng này đã vượt qua cả mức tăng kỷ lục 181 tỷ USD giá trị vốn hóa của Apple hôm 28/1 nhờ báo cáo kinh doanh tốt hơn mọi sự kỳ vọng.

PHÍA SAU ÁNH HÀO QUANG

Sự thành công này của Amazon được cho là khó có thể xảy ra nếu thiếu tầm nhìn xa của Jeff Bezos - tỷ phú giàu thứ hai thế giới. Cây viết Peter Cohan của tạp chí Forbes nhận xét chính khả năng biến những canh bạc mạo hiểm trở thành nguồn doanh thu khổng lồ của Bezos đã khiến hầu hết các thương vụ đầu tư của Amazon đều sinh lời hoặc có khả năng sinh lời trong tương lai.

Ngoài ra, thành công của Amazon còn có dấu ấn của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ máy vận hành và chăm sóc khách hàng. Máy tính bảng, hệ thống điện toán đám mây và thậm chí cả phần mềm trợ lý ảo đã giúp việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Amazon: Đế chế 1.400 tỷ USD nhưng không được Jeff Bezos coi trọng, cuối cùng chỉ xếp sau giấc mộng vũ trụ và ‘tiểu tam nóng bỏng’ - Ảnh 2.

Amazon dính bê bối kiểm soát nhân viên quá mức

Và đúng như khẩu hiệu mà Jeff Bezos đặt ra, rằng "Bạn có thể tìm thấy mọi thứ trên Amazon", khách hàng gần như có thể tìm thấy tất cả mọi thứ trên nền tảng này, thậm chí cả những chiếc đồng hồ Rolex và kim cương xa xỉ.

Tuy nhiên, đằng sau thành công của đế chế hơn 1.000 tỷ lại là những quy tắc vô cùng hà khắc, chẳng hạn như theo Business Insider, nhân viên Amazon phải làm việc ít nhất 60 giờ/tuần. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống dường như không còn tồn tại.

Tờ The Guardian hồi năm 2021 đã chia sẻ câu chuyện về James Meyers, một cựu nhân viên lái xe giao hàng cho Amazon tại Austin, Texas. Người đàn ông này cho biết mình chỉ gắn bó với công ty khoảng 1 năm do quá tải và phải làm việc trong điều kiện tồi tàn.

Những ca làm việc kéo dài 14 giờ là điều hết sức bình thường. Nhà cung cấp dịch vụ giao hàng cũng không cho phép tài xế trả lại đơn nên điều này gây áp lực vô cùng. Meyers tâm sự nhiều lúc phải đi tiểu trong chai nhựa vì không có thời gian.

"Tôi không thấy bất kỳ nỗ lực nào của Amazon nhằm giúp các tài xế sử dụng thời gian nghỉ cho những nhu cầu bình thường của con người. Điều đó khiến nhiều công nhân, bao gồm cả tôi, phải đi tiểu vào chai vì sợ không kịp giao hàng", Meyers nói.

Amazon: Đế chế 1.400 tỷ USD nhưng không được Jeff Bezos coi trọng, cuối cùng chỉ xếp sau giấc mộng vũ trụ và ‘tiểu tam nóng bỏng’ - Ảnh 3.

Đằng sau thành công của đế chế hơn 1.000 tỷ lại là những quy tắc vô cùng hà khắc

Ngoài ra, theo Randy Korgan, Giám đốc Dự án Amazon, lương nhân viên giao hàng của Amazon chỉ từ 15 USD/1 giờ, thấp hơn rất nhiều so với mức lương trung bình của các lái xe khác. Các tài xế cũng thường xuyên phàn nàn về sự giám sát quá chặt chẽ từ những chiếc camera lắp trên xe 24/7 và ứng dụng theo dõi Mentor.

"Để đi vệ sinh, những nhân viên nữ như tôi sẽ phải đến các trạm dừng chân. Tuy nhiên chúng không sẵn có. Quá trình di chuyển đến đó mất ít nhất 10 phút và sau này chúng tôi phải báo cáo rõ lý do vì sao chúng tôi lại chậm tiến độ. Vì vậy, tôi luôn mang bên mình một chiếc cốc cùng giấy lau để đi vệ sinh ngay phía sau buồng lái cho tiện’’, một nhân viên nữ của Amazon phàn nàn.

HIẾM KHI ĐƯỢC JEFF BEZOS NHẮC ĐẾN

Như vậy, đằng sau ánh hào quang, bản thân đế chế khổng lồ Amazon cũng có nhiều bất ổn. Tốc độ tăng trưởng khủng khiếp có được là nhờ sự đánh đổi của rất nhiều giờ làm việc kiệt sức và lao lực.

Đáng buồn hơn, Amazon ngày 5/7/2021 đã chính thức “mất’’ Jeff Bezos sau khi vị tỷ phú này quyết định chuyển giao chức vụ CEO cho người kế nhiệm để "về hưu" ở tuổi 57.

Amazon: Đế chế 1.400 tỷ USD nhưng không được Jeff Bezos coi trọng, cuối cùng chỉ xếp sau giấc mộng vũ trụ và ‘tiểu tam nóng bỏng’ - Ảnh 4.

Jeff Bezos đang tập trung vào Blue Origin

“Về hưu” ở đây không có nghĩa là ở nhà chăm vườn tược hay quây quần cháu con. “Về hưu’’ đối với Jeff Bezos chỉ đơn giản là chấm dứt quyền lực tại đế chế nơi một tay ông từng gây dựng. Thay vào đó, ông lựa chọn theo đuổi giấc mơ phi hành gia vũ trụ, với đích đến là Mặt Trăng xa xôi.

"Được nhìn thấy Trái đất từ vũ trụ, con người tôi đã thay đổi. Từ bé, tôi đã luôn ước mơ được bay lên Mặt Trăng. Và lần này, tôi muốn nhân loại không chỉ tới thăm Mặt Trăng, mà sẽ ở lại luôn hành tinh này’’, Jeff Bezos nói.

Cũng từ đó, Bezos dành nhiều thời gian tập trung vào cuộc sống xa hoa, công ty vũ trụ  tư nhân Blue Origin, hoạt động từ thiện và đặc biệt là Lauren Sánchez - “tiểu tam’’ đằng sau vụ ly hôn tốn kém nhất nhì lịch sử. Dĩ nhiên, Amazon lúc này không còn được dành nhiều sự quan tâm dù đã gắn bó với Jeff Bezos suốt 27 năm ròng rã. Thậm chí ngay cả khi vẫn còn giữ chức Chủ tịch điều hành, Bezos cũng rất hiếm khi nhắc đến Amazon.

"Tôi sẽ chia thời gian của mình dành cho Blue Origin và quỹ từ thiện Bezos Earth Fund. Sẽ có điều thứ ba và điều thứ tư, nhưng tôi chưa biết đó là những điều gì. Tôi không giỏi làm nhiều việc cùng một lúc", Jeff Bezos chia sẻ trong một cuộc họp báo và tuyệt nhiên không đề cập tới “đứa con tinh thần cũ’’.

Amazon: Đế chế 1.400 tỷ USD nhưng không được Jeff Bezos coi trọng, cuối cùng chỉ xếp sau giấc mộng vũ trụ và ‘tiểu tam nóng bỏng’ - Ảnh 5.

Cái bóng Jeff Bezos đối với Amazon quá lớn

Dẫu vậy, trong thời điểm hiện tại, mỗi khi nhắc đến Amazon, người ta sẽ không quên đính kèm nó với Jeff Bezos. Cái bóng này lớn đến nỗi, người kế nhiệm Andy Jassy, từng được coi là cánh tay phải đắc lực của ông trong những cuộc họp quan trọng, sau hơn 1 năm, vẫn khó có thể vượt qua được.

Theo: Bloomberg, BI, The Guardian

Cùng chuyên mục

Đọc thêm