Doanh nhân

Thuỷ Tiên kể về cú startup đầu đời năm 20 tuổi: Mở shop kinh doanh thời trang cho teen, tự đi xe sang Trung Quốc "đánh hàng", bị lừa đảo, móc túi

Lần khởi nghiệp năm 20 tuổi của Thuỷ Tiên

Nhắc đến ca sĩ Thuỷ Tiên và cựu cầu thủ Lê Công Vinh, ai cũng biết bên cạnh vai trò là những ngôi sao hạng A thì họ còn có khả năng kiếm tiền thuộc hàng "khủng", sở hữu và điều hành vài doanh nghiệp.

Tháng 11/2017, Thủy Tiên thành lập Công ty TNHH Media Ball, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó nữ ca sĩ góp 50% vốn, một nửa cổ phần còn lại do bà Phan Thị Thanh Hiếu nắm giữ. Công ty này hoạt động trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, tổ chức sự kiện và đầu tư tài chính.

Theo lời Thủy Tiên, số tiền góp vào công ty này được cô tích góp trong 15 năm đi hát. Dù vậy đến ngày 29/9/2018, Media Ball đã xin giải thể với lý do kinh doanh không hiệu quả.

Trước đó 6 tháng (cụ thể vào ngày 7/3/2018), Thủy Tiên đã thành lập Công ty TNHH CV9 (tiền thân là Công ty TNHH Cobala), đóng trụ sở tại quận 7, TP.HCM. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực quảng cáo, Thủy Tiên và chồng cùng đảm nhiệm vai trò Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc.

Thế nhưng ít người biết Thuỷ Tiên có khiếu kinh doanh từ sớm. Năm 2005 khi tròn 20 tuổi, nữ ca sĩ này quyết định mở một cửa hàng thời trang. Theo chia sẻ mới đây của cô trên VnExpress, thời điểm này trên thị trường Tp. Hồ Chí Minh có nhiều cửa hàng thời trang nhưng chưa có cửa hàng nào chuyên cho tuổi teen. 

Lần đầu tiên mình mở shop đó ra, tự đi Trung Quốc mua hàng, chọn từng món theo trend của thời điểm đó. Có rất nhiều kỷ niệm. Sau đó mình mở một nhà hàng cafe cho teen nữa. Thời điểm đó cũng hát nhạc cho teen luôn. Vui lắm.”, Thuỷ Tiên chia sẻ. Những năm đầu 2000, giới tuổi teen hầu như ai cũng biết đến các các khúc như Giấc mơ tuyết trắng, Tuyết nhiệt đới do Thuỷ Tiên thể hiện.

Để có tiền cho ra album và kinh doanh thời trang, Thuỷ Tiên đã quyết định bán căn nhà mẹ mua cho trong một con hẻm nhỏ tại quận 1. Tp. HCM. 

Thuỷ Tiên còn chia sẻ về việc sang Trung Quốc “đánh hàng” cho cửa hàng kinh doanh thời trang. Cô cùng 3 người bạn bằng tuổi khác không có tiền đi máy bay nên quyết định đi xe ra Hà Nội rồi sau đó đi lên biên giới rồi vào Quảng Châu, Trung Quốc. Chuyến đi này cũng để lại cho cô ấn tượng sâu sắc về cuộc sống mưu sinh vất vả. Thậm chí cô và các bạn còn từng trải qua việc bị lừa hay bị móc túi.

Nhưng mình phát hiện ra ước mơ lớn nhất của mình là ca sĩ chứ không phải kinh doanh. Mình quá nhỏ để phát triển được một sự nghiệp kinh doanh với ước mơ quá lớn như vậy. Con đường nghệ thuật của mình thì mình cứ làm thôi cho nên cũng bỏ qua rất nhiều cơ hội kinh doanh bởi vì không thể nào bỏ hát đi lấy hàng được hay lao vào tính toán tiền bạc. Bản chất của một nghệ sĩ thời đó mình còn quá nhiều ước mơ nghệ thuật như đóng phim, sáng tác nhạc nên mình phải dừng sự nghiệp kinh doanh lại”, Thuỷ Tiên nhớ lại.

Thuỷ Tiên kể về cú startup đầu đời năm 20 tuổi: Mở shop kinh doanh thời trang cho teen, tự đi xe sang Trung Quốc đánh hàng, bị lừa đảo, móc túi - Ảnh 1.

Kinh doanh và nghệ thuật có chiều hướng giống nhau

Sau khi bỏ dở sự nghiệp kinh doanh tuổi teen hồi những năm 2000, sau này khi đạt được độ chín Thuỷ Tiên mới quay lại con đường này. 

Người nghệ sỹ vốn có tâm hồn mộng mơ, bay bổng trong khi người kinh doanh cần có một cái đầu lạnh, chị nghĩ hai điều này có mâu thuẫn với nhau không?”, câu hỏi được đặt ra với Thuỷ Tiên. 

Từ công việc sáng tác nhạc phim theo đơn đặt hàng của đạo diễn, Thuỷ Tiên cho rằng vẫn cần có sự cân bằng giữa cảm xúc cá nhân của một người nghệ sĩ và phải đủ tỉnh táo để nghĩ cái gì là cái khán giả đang thích. 

Có rất nhiều nghệ sĩ họ phiêu theo âm nhạc nhưng mà khi ra sản phẩm không tính toán là thua. Cho nên đâu đó kinh doanh và nghệ thuật có chiều hướng giống nhau nhưng mà cũng không thể nào giẫm đạp lên nhau. Có nghĩa là mình làm nghệ thuật phải tỉnh táo như mình làm kinh doanh thì mình mới thắng được.”, Thuỷ Tiên đúc rút lại.

Cô cũng chia sẻ thêm thời kỳ mới tốt nghiệp thanh nhạc và theo con đường nghệ thuật, dòng nhạc cô theo đuổi là Gothic Rock. Thế nhưng hai album đầu tiên khán giả đa phần không hiểu. Những người hiểu được nhạc của Thuỷ Tiên chiếm số lượng rất nhỏ. Giai đoạn này Thuỷ Tiên khá stress khi đi diễn nhưng khán giả không hiểu mình.

Mình nghĩ thời điểm đó mình bán cái mình muốn bán, chứ không phải bán cái người ta cần. Vì cái tôi của mình quá lớn nên sản phẩm âm nhạc của mình sẽ có rất nhiều bạn yêu thích mình nhưng họ không phải là khán giả số đông được. Khi mình đi hát, đứng dưới không ai hiểu gì để vỗ tay mình hết. Cảm giác tủi thân cực kỳ. Đi hát về là khóc. Mặc dù mình sống được với âm nhạc mình mong muốn nhưng muốn phát triển nữa thì ở khía cạnh này không nhiều người tiếp cận được âm nhạc này của mình. Sau đó mình thay đổi.”, cô nhớ lại.

Theo Thuỷ Tiên, thực ra giữa kinh doanh và âm nhạc cũng có những điểm tương đồng nhưng có những điểm không thể chạm được đến nhau. Sau khi thay đổi quan điểm thì cô nhận ra mình cũng đang vừa thỏa mãn bản thân đồng thời cũng vừa bán được cho mọi người niềm vui. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm