Nhờ sự phổ biến của Internet và điện thoại di động, nông dân Trung Quốc có thể tiếp cận AI một cách dễ dàng. Các hãng công nghệ lớn như Alibaba, Tencent phát triển chatbot dễ sử dụng để thúc đẩy ứng dụng AI trên toàn quốc.
Chẳng hạn, Alibaba ký thỏa thuận với chính quyền Chiết Giang để giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Những chatbot hàng đầu của Trung Quốc – Yuanbao của Tencent, Tongyi của Alibaba và Doubao của ByteDance – nhanh chóng thu hút người dùng mới, bao gồm cả người dùng nông thôn.

Tại Jiaohe, một thị trấn ở đông bắc tỉnh Cát Lâm, một trưởng làng đã liên hệ trực tiếp với Tencent để hướng dẫn cách sử dụng AI cho dân làng. Trong các quảng cáo được hiển thị xung quanh thị trấn, ông khuyến khích người dân "tìm kiếm Tencent Yuanbao trên cửa hàng ứng dụng".
Chia sẻ trên SCMP, trưởng làng họ Lu nói chatbot đã trở thành một phần của cuộc sống nông thôn, khi dân làng sử dụng các dịch vụ AI để xác định các loài thực vật và động vật, xem tài liệu, tìm kiếm trợ cấp của chính phủ, tìm kiếm lời khuyên về nông nghiệp và chăn nuôi, cũng như tạo tài liệu quảng bá cho các doanh nghiệp thương mại điện tử địa phương.
Tencent đã thành lập một nhóm đặc biệt phụ trách chiến dịch "AI Goes Rural" (AI về làng). "Các tính năng như nhận dạng hình ảnh và tương tác bằng giọng nói đã làm giảm đáng kể rào cản đối với nông dân", một nhân viên của Tencent cho biết.
Công ty cũng điều chỉnh các mô hình AI để đáp ứng nhu cầu người dân và hợp tác với các quan chức địa phương để hỗ trợ họ làm quen với AI.

Những khẩu hiệu quảng cáo Yuanbao – đã tích hợp mô hình suy luận DeepSeek R1 hồi tháng 2 – mọc lên như nấm tại các ngôi làng Trung Quốc, đặc biệt ở vùng đông bắc.
"Cần xác định sâu bệnh cây trồng? Hỏi Tencent Yuanbao". "Không chắc chắn làm thế nào để bắt đầu khởi nghiệp? Hỏi Tencent Yuanbao". "Bạn đang gặp khó khăn với livestream thương mại điện tử? Hỏi Tencent Yuanbao".
Các khẩu hiệu ven đường được sơn bằng các ký tự màu trắng và vàng đậm bắt mắt.
Chủ tịch Tencent Martin Lau Chi Ping chia sẻ, chỉ trong tháng 2, người dùng hoạt động hàng ngày của Yuanbao đã tăng gấp 20 lần.
Trong khi đó, một chatbot khác là Quark của Alibaba – ban đầu là trình duyệt kiêm dịch vụ lưu trữ đám mây – ghi nhận 146,6 triệu người dùng tích cực hàng tháng tính đến tháng 2. Doubao thu hút 81,9 triệu người dùng tích cực hàng tháng, còn DeepSeek là 61,8 triệu.
Chính quyền địa phương cũng đang ứng dụng AI trong nông nghiệp. Tại Enping, thị trấn ở miền nam tỉnh Quảng Đông, hệ thống AI sẽ gửi tin nhắn cảnh báo nguy cơ dịch hại đến điện thoại của nông dân.
Dù vậy, sự phổ biến nhanh chóng của dịch vụ AI cũng đặt ra những lo ngại. Trưởng làng Lu lưu ý tầm quan trọng của giáo dục người dân về sử dụng AI có trách nhiệm.
Ông dự định tổ chức nhiều phiên đào tạo hơn cho dân làng để họ đánh giá các nội dung của AI khách quan. Theo ông, AI đại diện cho làn sóng “dân chủ hóa công nghệ”. “Khu vực nông thôn phải nắm bắt cơ hội này để thu hẹp khoảng cách tri thức giữa thành thị và nông thôn”, ông nói.
Tại Việt Nam, người nông dân cũng đang dần được tiếp cận và hỗ trợ ứng dụng AI trong sản xuất thông qua các chương trình của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Theo số liệu, tính đến năm 2023, đã có hơn 200% doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong đó trên 50% ứng dụng AI vào các giải pháp quản lý tài nguyên nông nghiệp.
AI có thể mang lại nhiều đột phá trong quản lý cây trồng thông minh, dự báo sâu bệnh, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, tự động hóa quy trình.
Chẳng hạn, Viện Môi trường nông nghiệp (IAE) đang phối hợp với tỉnh Đắk Lắk để thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh cây trồng trên các cây công nghiệp.
Một số mô hình được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả cao, như Hệ thống quản lý điều khiển nông trại quy mô lớn bằng AI cho tái canh cà phê của Netafim Việt Nam cho năng suất 5 tấn/ha ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, tăng 300% so với phương pháp truyền thống.
Hay Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa…
Dù vậy, theo các chuyên gia, để phổ biến công nghệ mới, bao gồm AI, cho người nông dân, cần có sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp.