Kinh doanh

Hình thành loạt "siêu thủ phủ công nghiệp" sau sáp nhập tỉnh thành

Tóm tắt:
  • Sau sáp nhập tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, sẽ hình thành "siêu thủ phủ công nghiệp" mới ở miền Bắc.
  • Bắc Giang và Bắc Ninh có thế mạnh về công nghiệp, với GRDP và FDI tăng trưởng mạnh.
  • Miền Nam cũng sẽ hình thành "siêu thủ phủ công nghiệp" mới tại TPHCM sau sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.
  • Sáp nhập giúp mở rộng diện tích đất, quản lý quỹ đất tốt hơn và phát triển các khu công nghiệp quy mô lớn.
  • Nguồn nhân lực sẽ dồi dào hơn, hỗ trợ tuyển dụng cho doanh nghiệp và phát triển các trung tâm đào tạo chất lượng.

"Siêu thủ phủ công nghiệp" tại Bắc Ninh

Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương dự kiến hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, lấy tên tỉnh là Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang.

Đây vốn là 2 tỉnh có thế mạnh phát triển công nghiệp khi được mệnh danh là "thủ phủ công nghiệp miền Bắc", là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Hình thành loạt 'siêu thủ phủ công nghiệp' sau sáp nhập tỉnh thành ảnh 1

Sau khi hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh dự kiến hình thành "siêu thủ phủ công nghiệp" miền Bắc.

Đối với Bắc Giang, những năm gần đây kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, năm 2024 tăng trưởng kinh tế tỉnh này đạt 13,85% và đứng đầu cả nước. Quý I năm nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP với 14,02%. Tổng vốn FDI năm 2024 và quý I vừa qua lên tới 2,23 tỷ USD.

Với 16 khu công nghiệp, 55 cụm công nghiệp, Bắc Giang đang dần hình thành chuỗi sản xuất logistics khép kín, đặc biệt tại các huyện, thị xã giáp với Bắc Ninh như Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang.

Đối với Bắc Ninh, dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng lại đứng thứ 9 về quy mô kinh tế với GRDP năm 2024 đạt hơn 232.800 tỷ đồng. Riêng quý I vừa qua, tình hình kinh tế tỉnh Bắc Ninh có những khởi sắc đáng kể khi GRDP tăng 9,64% so với cùng kỳ.

Hiện nay, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp đã được duyệt quy hoạch với tổng diện tích gần 6.400 ha. Trong đó, 12 dự án đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 62%... tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Như vậy, với việc hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh dự kiến sẽ hình thành "siêu thủ phủ công nghiệp" của miền Bắc với những khu công nghiệp (KCN) mới có quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới hấp dẫn nhà đầu tư.

"Siêu thủ phủ công nghiệp" tại TPHCM

Tại miền Nam, theo Nghị quyết số 60 dự kiến hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM, lấy tên là TPHCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TPHCM hiện nay.

Cần phải nhấn mạnh rằng tỉnh Bình Dương hiện được mệnh danh là thủ phủ của công nghiệp Việt Nam. Theo số liệu của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), Bình Dương là tỉnh có diện tích KCN lớn nhất cả nước với hơn 12.720 ha (chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam và 13% diện tích KCN cả nước - PV). Bình Dương hiện có 29 KCN, tỷ lệ lấp đầy đạt 91%...

Hình thành loạt 'siêu thủ phủ công nghiệp' sau sáp nhập tỉnh thành ảnh 2
Sau hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM sẽ hình thành "siêu thủ phủ công nghiệp" mới tại TPHCM.

Theo Redsunland - đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Bình Dương đã thành công trong thu hút FDI nhờ phát triển mạnh mẽ các KCN, song vẫn cần mở rộng hệ thống cảng, kho vận, viễn thông và đặc biệt là các cơ sở tài chính ngân hàng - vốn tập trung tại TPHCM.

Trong khi đó, TPHCM là trung tâm công nghiệp - logistics của cả nước nhưng gặp hạn chế về quỹ đất và hạ tầng giao thông, dù sở hữu mặt tiền biển nhưng chỉ kéo dài 23 km.

Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu hơn 300 km bờ biển cùng cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tạo lợi thế lớn trong chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế.

Redsunland nhận định, khi ba địa phương này sáp nhập, một trung tâm kinh tế - công nghiệp - logistics tích hợp có thể sẽ được hình thành, mở ra cơ hội phát triển toàn diện và bền vững hơn cho kinh tế Đông Nam Bộ nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Khi đó, bất động sản công nghiệp tại khu vực này có nhiều cơ hội phát triển, sẽ là “siêu thủ phủ công nghiệp” của miền Nam.

Cũng theo Redsunland, việc sáp nhập tỉnh thành không chỉ mở rộng tổng diện tích đất mà còn đặt toàn bộ quỹ đất dưới sự quản lý thống nhất, tạo điều kiện cho quy hoạch sử dụng đất trở nên toàn diện và chiến lược hơn.

Các khu đất rộng có thể được xác định và phân bổ hợp lý, phù hợp cho các khu công nghiệp và cụm công nghiệp quy mô lớn. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn vị trí đặt nhà máy, đồng thời giảm áp lực khan hiếm quỹ đất công nghiệp tại các địa phương có nhu cầu cao.

Đây cũng là cơ hội để các địa phương phát triển các loại hình KCN như KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, hay thậm chí là các tổ hợp KCN - đô thị - dịch vụ. Mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hoá chi phí vận hành mà còn tiếp cận nguồn lao động thuận lợi hơn. Đặc biệt, khi các địa phương sáp nhập với mục tiêu bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, thế mạnh của từng khu vực sẽ được tận dụng tối đa…

Ông Đoàn Duy Hưng - Chủ tịch iipvietnam.com - nhận định, nếu quá trình sáp nhập được thực hiện hợp lý, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quy hoạch và chính sách thì thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Cũng theo ông Hưng, sau sáp nhập, nguồn nhân lực địa phương sẽ trở nên dồi dào hơn với sự kết hợp giữa lao động phổ thông và lao động kỹ thuật cao. Từ lợi thế này, các tỉnh/thành mới có thể quy hoạch thêm các trung tâm đào tạo, trường đại học.. nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp trọng điểm; lợi thế tuyển dụng cho doanh nghiệp cũng cao hơn. Các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, chế tạo máy, sản xuất điện tử, sẽ có cơ hội tuyển dụng nhân sự có tay nghề phù hợp hơn.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Công khai thông tin các dự án NƠXH để người dân mua đúng giá

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu Sở Xây dựng và các quận huyện công khai thông tin về sơ đồ mặt bằng, giá thuê, mua, trình tự thủ tục đăng ký, vay vốn... hỗ trợ người dân đủ điều kiện tiếp cận, mua nhà ở xã hội đúng giá, không qua trung gian, không phải trả thêm phí.