Một đứa trẻ có thành tích học tập xuất sắc phần lớn là do có những thói quen tốt được hình thành từ nhỏ. Việc phát triển thói quen học tập tốtcó thể kích thích sự nhiệt tình, chủ động trong học tập của trẻ, từ đó nâng cao hiệu quả học tập. Hơn nữa, thói quen quyết định tính cách, tính cách định lấy số phận.
Trên thực tế, sự khác biệt duy nhất giữa một học sinh kém và một học sinh giỏi là thói quen học tập tốt. Muốn cải thiện thành tích học tập của con mình, cha mẹ có thể rèn cho con 7 thói quen dưới đây:
1. Thói quen học tập chủ động
Giáo viên là người hướng dẫn, còn học sinh mới là đối tượng thực sự của việc học. Trong quá trình học, trẻ phải tự mình phát triển thói quen học tập chủ động như xem trước bài vở, ôn tập sau giờ học, tự tìm kiếm thêm thông tin...
Học tập chủ động đòi hỏi trẻ không chỉ tích cực học trên lớp mà còn chủ động học ở nhà và trong thời gian rảnh.
2. Thói quen chăm chú lắng nghe
Khi trẻ có thói quen chăm chú lắng nghe, chúng sẽ hiểu kỹ hơn những nội dung bài học mình đã coi trước khi tới lớp. Tầm quan trọng của thói quen này còn rèn cho trẻ khả năng tập trung cao, điều đó rất có lợi trong học tập.
Dù trẻ có hiểu bài rồi nhưng cũng không nên làm việc riêng. Lắng nghe cẩn thận trong lớp là cách học tập hiệu quả và được thầy cô đánh giá cao.
3. Thói quen đọc sách
Đọc sách giúp tu dưỡng tâm hồn, nâng cao khí chất, mở mang đầu óc, thay đổi hành vi ứng xử của một người. Thói quen này giúp cho học sinh mở rộng tầm nhìn và thế giới quan của mình.
Đặc biệt, đối với môn Văn đọc nhiều sách sẽ giúp từ ngữ phong phú, giàu cảm xúc, bài văn sẽ có chiều sâu hơn.
Đọc có lợi cho việc hiểu và phát triển tư duy, đồng thời là cách duy nhất để phát triển khả năng cảm nhận ngôn ngữ. Nó rất hiệu quả đối với các môn học ngôn ngữ như tiếng Trung và tiếng Anh.
4. Thói quen lập kế hoạch
Mỗi người đều có 24 giờ mỗi ngày giống nhau nhưng nếu biết cách sắp xếp thời gian, trẻ có thể làm được rất nhiều việc. Điều này đòi hỏi trẻ phải lập kế hoạch hàng ngày.
Để xây dựng kế hoạch học tập hợp lý, trước hết trẻ phải tự sắp xếp lại tình hình học tập của mình, phân bổ thời gian hợp lý cho các môn và nghiêm túc thực hiện theo.
5. Thói quen hỏi giáo viên
Nhiều học sinh ngại đặt câu hỏi với giáo viên vì sợ bị giáo viên chê cười. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ của họ nên không cần phải lo lắng. Ngược lại, giáo viên rất thích những học sinh tích cực và chủ động học tập như thế này.
Nếu có điều gì không hiểu, trẻ nên kịp thời nhờ giáo viên giải đáp kịp thời. Chỉ bằng cách này, trẻ mới nắm chắc kiến thức và có hứng thú học tập hơn.
6. Thói quen ghi chép học tập
Những học sinh giỏi có xu hướng ghi chép lại những điểm mấu chốt trong bài học bằng sơ đồ tư duy. Việc ghi chép những kiến thức quan trọng được giáo viên nhấn mạnh sẽ có lợi cho việc ôn bài. Ngoài ra, thói quen này còn giúp hệ thống hóa kiến thức và giúp trẻ chủ động hơn trong việc học.
7. Thói quen từ chối những cám dỗ
Hành vi của con người phần lớn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường.
Một học sinh dù nhận ra tác hại của việc chơi game nhưng khi tiếp xúc lại bị cuốn theo và không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của nó.
Vì vậy, trong quá trình hình thành thói quen, khi khả năng tự chủ của bản thân chưa mạnh mẽ, trẻ nên bắt đầu bằng việc kiểm soát thời gian để kiềm chế hành vi của mình.
Ví dụ:
Trẻ có thể lên lịch thời gian biểu kín mít từ sáng tới đêm, các hoạt động học tập đều được sắp xếp phù hợp sao cho một ngày trôi qua không bị lãng phí. Về không gian, trẻ có thể kiểm soát bằng cách tránh đến gần những bạn chơi game, không đụng vào điện thoại..
Tóm lại, nếu trẻ có thể rèn luyện được những thói quen học tập tốt này, trong thời gian ngắn thành tích sẽ được cải thiện nhanh chóng.