Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/06, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, vốn FDI đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…).
Đáng chú ý, dù không năm trong các tỉnh thành phố thu hút FDI lớn của cả nước, song trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được hơn 430 triệu USD vốn FDI, vượt gần 9% kế hoạch đề ra cho cả năm. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Thu hút vốn đầu tư vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt kết quả cao với tổng số vốn ước đạt 435,8 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu 400 triệu USD năm nay. Trong đó có 209,9 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay.
Theo ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong suốt quá trình phát triển, Vĩnh Phúc luôn thống nhất quan điểm coi doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển; thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh; nhà đầu tư vào tỉnh là công dân của tỉnh; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Lãnh đạo tỉnh luôn xác định lãnh đạo phải có trách nhiệm phải đồng hành hỗ trợ các nhà đâu tư ổn định và phát triển, trong đó có liên quan đến yếu tố phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cơ hạ tầng nguồn nhân lực, các thủ tục hành chính, và hỗ trợ tối đa về giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp sớm đi vào sản xuất.
“Chúng tôi xác định đồng hành doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực và cam kết làm hết trách nhiệm của mình hỗ trợ nhanh nhất cho dn để sớm đưa dự án vào sx kinh doanh”, ông Việt khẳng định.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.313 dự án, trong đó có 472 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 8,3 tỷ USD. Đặc biệt, trong số hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, Hàn Quốc xếp thứ nhất về cả số dự án đầu tư và số vốn đăng ký, với 238 dự án, tổng vốn hơn 3 tỷ USD.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Sindoh, Cammsys, Partron, Daewoo Bus, JH Vina, Heasung Vina, ShinWon, Vina Korea, ISC Vina, Solum...
Theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết thêm, bên cạnh các ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai và hạ tầng kỹ thuật, địa phương cũng bổ sung các giải pháp khác để có thể thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn đầu tư trên địa bàn tỉnh, như phát triển hạ tầng xã hội để đáp ứng nhu cầu sinh sống lâu dài của người lao động, chuyên gia.
Đồng thời, tạo điều kiện phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, khoa học và môi trường đổi mới sáng tạo; củng cố khả năng liên kết giữa hoạt động sản xuất đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, ngoài đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong và nước ngoài, địa phương cũng tổ chức xúc tiến đầu tư tại chỗ, tức là tập trung hỗ trợ đầu tư các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, thông qua đó các nhà đầu tư này sẽ đưa lan tỏa thông tin tích cực đến nước sở tại để tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư khác đến đầu tư.
“Dự kiến, từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tổ chức hai đoàn xúc tiến đầu tư ở nước ngoài và theo hướng mới. Cụ thể, các nhà đầu tư đang triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ đi tiền trạm đến các quốc gia mà họ cảm thấy có tiềm năng. Sau đó, cơ quản lý nhà nước sẽ phối hợp cùng với các nhà đầu tư này tổ chức các hoạt động xúc tiến đó”, ông Độ nêu rõ.
Dưới góc độ là chủ đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT CNCTech Group nhìn nhận, dù xu hướng đầu tư mới toàn cầu chậm lại, nhưng thu hút FDI vẫn là điểm sáng kinh tế của Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng trong 6 tháng đầu năm.
Theo ông, ngoài sở hữu hạ tầng hiện đại, hệ thống pháp lý minh bạch, an ninh trật tự được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thời gian qua lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để các nhà đầu tư thấy được những thuận lợi khi đầu tư vào tỉnh.
Cụ thể, khi nhà đầu tư tìm hiểu thông tin tại địa phương thì tất cả thông tin được cung cấp đầu đủ và các câu hỏi được giải đáp nhanh chóng.
"Khi nhà đầu tư quyết định đến Việt Nam và đầu tư tại địa phương, thì chúng tôi hỗ trợ đưa ra các giải pháp toàn diện, từ lựa chọn đất, thiết kế - xây dựng nhà xưởng, hoàn thiện - bàn giao và hỗ trợ trong quá trình vận hành sau này”, ông Hùng nêu rõ.
Đặc biệt, để đón làn sóng FDI mới của các ngành công nghệ cao như bán dẫn, sản xuất dịch chuyển có yêu cầu cao hơn về năng lượng, môi trường, về hạ tầng và nguồn nhân lực, các chủ đầu tư cũng đang nỗ lực đồng hành và địa phương xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị hạ tầng, đa dạng hóa nguồn năng lượng để đảm bảo yêu cầu của các nhà đầu tư ngay khi quyết định vào Việt Nam.
“Doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án khu, cụm công nghiệp, trong đó, phối hợp với tập đoàn nhước ngoài thực hiện dự án khu công nghiệp Nam Bình Xuyên với mục tiêu trở thành khu công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế”, ông Hùng thông tin.