Bất động sản

18 năm bên nhà ga "trên giấy" và một ngày...

Ông Nguyễn Như Thư (tổ phó tổ 10, phường Hòa Khánh Nam) nói chuyện về vùng treo này có lẽ kể cả năm trời không hết. Nhiều nỗi oái oăm, bất lực thậm chí tuyệt vọng. Ngày nghe tin “thoát án”, dân như vỡ òa và đặt bao hy vọng về cuộc sống mới…

Sống tạm gần hai thập kỷ

Năm 2004, Đà Nẵng công bố quyết định quy hoạch nhà ga đường sắt. Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án trải rộng trên ba phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc với diện tích hơn 780.000m2. Một vùng dân cư rộng lớn với hàng ngàn hộ dân suốt 18 năm qua sống trong trạng thái dậm chân tại chỗ vì nhà cửa không được xây mới, sửa chữa. Chạy quanh khu quy hoạch, những căn nhà đã xuống cấp, xập xệ, rệu rạo, ẩm mốc. Như lời bà con thở than là “chả muốn nhìn”. Khu “dính án treo” lạc lõng với đô thị ngoài kia ngày một đổi khác.

Gia đình chị Lê Thị Thu Thủy (phường Hòa Khánh Nam) 4 người, sống trong căn nhà chật chội, trời mưa không có nổi chỗ phơi đồ. Con cái dần lớn, cần không gian riêng, nhưng vì nằm trong vùng quy hoạch nên bao năm qua chị không thể xây thêm một tầng nữa để cả nhà sinh hoạt thoải mái hơn. “Chừng ấy năm phải chui rúc trong cái hộp diêm mà không biết kêu ai cả. Nếu xây thì bị bắt đập phá, tháo dỡ. Đi đâu về nhìn cái nhà chỉ muốn khóc. Người ta cày cuốc để có chỗ ở khang trang hơn, còn chúng tôi có tiền cũng không thể sửa sang chính ngôi nhà mình”, chị ấm ức.

Vào những kiệt hẻm trên đường Mẹ Suốt như đang lội ngược về 20 năm trước. Trăm nhà như một đều tạm bợ. Bà con nhẩm tính ở đây có những đứa bé lớn lên đã vào đại học mà nhà cửa vẫn y như thưở chúng tập đi. Hậu quả của việc không được nâng cấp, sửa chữa lớn không chỉ là bất tiện, thấm dột oi bức lúc nắng mưa mà được phơi bày rõ nhất qua trận mưa lũ kinh hoàng giữa tháng 10 vừa qua. Hàng loạt ngôi nhà bị nước nhấn chìm, giữa đêm đen dân phải phá mái tôn ra kêu cứu. Bà con vẫn chưa hoàn hồn, thở dài nếu bao năm qua được cất thêm căn gác để trú ngụ thì đỡ biết ngần nào. Cũng có nhiều nhà chịu không nổi, bức quá làm liều xây lén, mà thực chất chỉ vá chỗ này một miếng, đôn chỗ kia một tí để tránh gió tránh mưa.

18 năm bên nhà ga trên giấy và một ngày... - Ảnh 1.

Khu vực dính quy hoạch nhà cửa, đường sá xuống cấp, tồi tàn Ảnh: Thanh Trần

Bà con kể thêm, có người sống mong mỏi sửa được căn nhà, tới ngày nhắm mắt vẫn chưa toại nguyện. Cũng có người ấp ủ xây dãy trọ để cho thuê, dự tính làm ăn, thu xếp cuộc sống…thế rồi chỉ nhận được cái lắc đầu không được làm gì cả. Thành thử biết bao gia đình lâm nợ nần, lục đục, chán nản… Chị Dạ Thảo có lô đất với 15m ngang mặt tiền trên đường Phạm Như Xương, oái oăm thay phần mặt tiền chẳng sao, nhưng gần nửa sau lô đất lại dính quy hoạch Ga đường sắt. Vậy là ngôi nhà lâm thế dở khóc dở cười, chẳng lẽ tút tát phía trước đẹp đẽ còn phía sau giữ nguyên hiện trạng tồi tàn năm này qua năm khác. Chị rầu rĩ rằng chẳng dám quyết liệt đầu tư làm ăn gì vì sợ bị “tuýt còi”. Mà trên con đường ấy, hỏi ra mới biết đâu phải mình nhà chị “thoát đầu, dính đuôi” như vậy.

Chờ động lực phát triển

Những ngày này, cán bộ như ông Thư liên tục nhận điện thoại của người dân khi nghe tin hủy bỏ quy hoạch nhà ga. Bà con ai cũng mừng ra mặt bởi cuối cùng cũng đã thoát “án treo”. Người hỏi bao giờ được xây, sửa nhà. Người sốt ruột khi nào được cấp sổ đỏ, tách thửa, chuyển nhượng…. Chị Nguyễn Thị Hợi (phường Hòa Khánh Nam) rưng rưng nước mắt, kêu vài hôm nữa sẽ lên phường, lên quận hỏi thủ tục để được cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Đó là tâm nguyện mà chồng chị khi còn sống chưa thực hiện được. Chị nghẹn ngào, chồng không còn để cùng chị chứng kiến giây phút này, và có thể một ngày gần nhất được cầm sổ đỏ chứng minh chủ quyền mảnh đất gắn bó lâu nay trên tay.

Ở vùng trũng thấp, bà con lại mong nâng cấp đường sá, đầu tư hệ thống cống thoát nước. Xóm của anh Nguyễn Văn Quang (tổ 36, phường Hoà Khánh Nam) ở gần nhà cô bé 16 tuổi bị lũ cuốn trôi cách đây chưa đầy hai tháng, mỗi lần mưa đường nhão nhẹt. Ngày đưa tang cô bé, cả xóm cùng nhau hùn tiền, bỏ bê nhà cửa lấm lem bùn đất đi mua đá dăm về rải đường để tiễn bé đi cho…bớt thảm. Nghe đến quặn lòng. Còn ngày nắng, bụi mù trời bởi đường đã bao năm không đụng gì tới, trơ lõi đất. Nhiều xóm quanh đó còn ngán ngẩm hơn bởi ngày hè cũng như tháng mưa, đường lúc nào cũng nhễ nhại nước thải, hôi thối nồng nặc. Các cống mương xung quanh muỗi đóng quân, mùa mưa tới ai cũng hãi hùng. “Nghe tin bỏ quy hoạch mấy hôm nay cả khu ai cũng phấn khởi. Giờ mong được đổ nhựa tuyến đường lớn, hẻm thì bê tông, rồi thông mấy cái cống cho sạch đẹp, trong lành. Nơi mình sống phải khang trang lên mới có thêm tinh thần làm việc, cày cuốc để xây dựng nhà cửa cho bằng người ta. Chứ quần quật cả ngày tối về nhìn quanh đâu cũng mái tôn tường cũ, thiệt chẳng buồn phấn đấu”, anh Quang bày tỏ. Những người buôn bán lại càng trông chờ, bởi chẳng ai ghé ăn sáng, uống ly cà phê ở cái nơi nhếch nhác, “view” chỗ nào cũng thấy toàn nhà của hai thập niên trước.

Ngày 17/11, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định bãi bỏ các quyết định trước đó về sơ đồ ranh giới, quy hoạch nhà ga đường sắt tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc thuộc quận Liên Chiểu. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt, Ga đường sắt mới được di chuyển lên khu vực thuộc huyện Hòa Vang.

Ông Thư trải lòng, lần gặp gỡ, họp hành nào với bà con lòng cũng đau đáu. Bởi cứ thấy ông là họ xả cục ức khi sống trong vùng quy hoạch treo quá lâu. Lần nào cũng kêu trời chuyện sửa sang nhà cửa, mở đường, thoát cống… Mà ông thì chỉ biết nghe rồi kiến nghị chứ đâu xoay chuyển được gì. “Nói bỏ quy hoạch, bỏ là bỏ nghe nhẹ tênh vậy đó. Ai thấu hết nỗi cơ cực của bà con suốt 18 năm qua? Bây giờ chỉ mong sao các cấp khẩn trương bắt tay vào “tút lại” những vùng dính quy hoạch, để bà con phấn chấn hơn, cũng là tiếp thêm động lực cho cả khu vực này phát triển”, ông kỳ vọng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm