Thời sự

Xuất nhập khẩu với hai thị trường lớn nhất: Lần đầu sụt giảm hơn 20%, khó khăn hơn cả giai đoạn COVID

Khó khăn của lĩnh vực xuất khẩu bắt đầu nhen nhóm từ những tháng cuối năm 2022 giữa lúc nhiều nước phát triển, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối mặt nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Tháng 11/2022, lần đầu tiên sau hơn 1 năm, xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm gần 9% so với cùng kỳ. Lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế này tiếp tục sụt giảm sâu hơn vào tháng 12/2022 và tháng 1/2023, rồi phục hồi lên mức tăng trưởng dương (11,7% so với cùng kỳ) vào tháng 2 vừa qua. Trong khi đó, nhập khẩu sụt giảm liên tiếp từ tháng 11/2022 đến nay. 

Với các thị trường lớn, hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tăng trưởng âm ở tất cả các thị trường. Nhập khẩu cũng tương tự, ngoại trừ thị trường châu Phi (tăng 2,4% so với hai tháng 2022). 

 

 

Xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu từ Trung Quốc suy yếu lần đầu kể từ 2017

Đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ. Tính từ 2017 đến nay, xuất khẩu sang Mỹ lần đầu ghi nhận mức giảm hơn 21% so với cùng kỳ trong hai tháng 2023. Trước đó trong hai năm COVID, tăng trưởng sang thị trường này đều ghi nhận mức khá cao.

 

Tương tự, nhập khẩu từ Trung Quốc - thị trường lớn nhất của Việt Nam cũng ghi nhận mức giảm sâu lần đầu (-24%) so với cùng kỳ tính từ 2017 đến nay. Trước đó nhập khẩu từ quốc gia này ghi nhận tăng trưởng âm 7% vào hai tháng đầu năm 2020 - cũng là giai đoạn dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc.

 

Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ năm 2022 đạt giá trị 109,38 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang một thị trường đạt mốc 100 tỷ USD.

Trong nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ có 13 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 nhóm trên 10 tỷ USD; 2 nhóm hàng xuất khẩu tiến tới mốc 20 tỷ USD gồm dệt may và máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác. 

Với Trung Quốc, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và quốc gia này đạt 175,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 117,87 tỷ USD. Năm 2022 có tới 19 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm chục tỷ USD gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 24,29 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 24 tỷ USD.

 Mỹ, Trung Quốc lần lượt là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Dệt may, thủy sản khó khăn, kỳ vọng nhiều từ việc Trung Quốc mở cửa

Nói thêm về một số ngành hàng cụ thể, trong hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam ghi nhận 4,5 tỷ USD (giảm 19,6% so với cùng kỳ) do tồn mức kho cao và nhu cầu yếu tại các thị trường xuất khẩu đã khiến các thương hiệu trở nên thận trọng hơn trong việc đặt hàng cho quý I/2023. Kim ngạch xuất khẩu sợi giảm mạnh, đạt 565 triệu USD (giảm 38,4% so với cùng kỳ), chủ yếu do sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh (giảm 42,6 % so với cùng kỳ).

Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam. Dự báo về ngành này, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ sẽ phục hồi sau đợt hàng tồn kho may mặc cao kỷ lục từ nửa cuối năm 2022.

VDSC cũng cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại trong năm nay sẽ không tạo ra thách thức quá lớn với các doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ khi mà thị trường này cho thấy xu hướng liên tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Với ngành cá tra, năm 2022, ngành này đạt giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay (2,4 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ). Động lực chính đằng sau sự tăng trưởng này là nhu cầu cao trên thị trường Mỹ, được hỗ trợ một phần bởi sự thiếu hụt về nguồn cung cá thịt trắng gây ra bởi cuộc chiến Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, theo VDSC, ngành thủy sản đã phải đối mặt với những thách thức trong nửa sau của năm 2022 do lạm phát dai dẳng và hàng tồn kho của nhà bán lẻ tăng cao, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu. Diễn biến tiêu cực này khả năng sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023. 

Trong bối cảnh triển vọng xuất khẩu ảm đạm, nhu cầu bên ngoài yếu, việc Trung Quốc mở cửa trở lại được coi là một động lực quan trọng. Đánh giá chung về yếu tố này, các chuyên gia của SSI Research cho rằng tác động  rõ rệt có thể chỉ đến từ nửa cuối năm 2023, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng 3 năm COVID-19 đã phần nào thay đổi thói quen tiêu dùng của thị trường này  

The SSI, việc các hoạt động thương mại tại các cửa khẩu đường bộ có thể diễn ra mạnh mẽ hơn là nhân tố quan trọng giúp hỗ trợ xuất khẩu, chưa kể đến việc phục hồi của cầu nội địa của Trung Quốc. Cụ thể, xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp ước tính tăng sau thời gian gặp khó khăn do chính sách Zero COVID kéo dài trong khi đó tốc độ tăng trưởng của các sản phẩm chủ chốt khác như hàng điện tử, giày dép, gỗ và bông vẫn được duy trì.  

Còn theo quan điểm của các chuyên gia tại VNDirect, thủy sản, xi măng cao su sẽ là những ngành hàng hưởng lợi tích cực khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Thị trường Trung Quốc vẫn là trụ cột quan trọng cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngoài ra còn là thị trường xuất khẩu xi măng và thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất của Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm