Đó là một câu chuyện buồn của dự án xây dựng trị giá hàng trăm triệu USD ở Thổ Nhĩ Kỳ mang tên Burj Al Babas. Nó là một khu phát triển nhà ở bị bỏ hoang ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm hàng trăm biệt thự giống như những tòa lâu đài Disney thu nhỏ, nằm san sát kéo dài vút tầm mắt.
Theo tờ The Guardian, Burj Al Babas được xây dựng với mục đích ban đầu là nơi nghỉ dưỡng xa hoa dành cho giới siêu giàu trên khắp thế giới.
Toàn cảnh khu nghỉ dưỡng nhìn từ trên cao.
Bất kỳ ai có tiền đều có thể sở hữu một khu biệt thự lấy cảm hứng từ lâu đài cổ tích trong phim hoạt hình của Disney. Chúng nằm san sát trải dài trong một thung lũng đẹp như tranh vẽ, gần ngôi làng lịch sử Mudurnu, phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế nhưng, dự án chưa kịp hoàn thành đã bị bỏ hoang dần trở thành một trong những "thị trấn ma" lớn nhất thế giới. Những dinh thự chưa kịp ở đã bắt đầu xuống cấp.
Đó là câu chuyện về những tham vọng lớn, giá bất động sản cao ngất trời và những khó khăn về kinh tế để rồi cuối cùng phá vỡ "giấc mơ Burj Al Babas".
Khu nghỉ dưỡng độc đáo này là sản phẩm trí tuệ của anh em nhà Yerdelen, người điều hành công ty xây dựng Sarot Property Group.
Mục tiêu của họ là thu hút những người giàu có từ Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới đến với Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì khí hậu và cảnh quan đẹp...
Dự án được xây dựng trong một khu vực nổi tiếng với suối nước nóng, mỗi biệt thự ở khu nghỉ dưỡng Burj Al Babas đều có hệ thống sưởi dưới sàn và bể sục ở mọi tầng, có hồ bơi trong nhà. Bên cạnh đó còn có một trung tâm mua sắm lấy cảm hứng từ Tòa nhà Quốc hội Mỹ, những khu vườn tươi tốt và hồ nước xanh mát đã được lên kế hoạch thiết kể tỉ mỉ để tạo ra một cảnh quan thực sự như trong truyện cổ tích.
Ban đầu, những căn biệt thự giống lâu đài cổ tích Disney được bán với giá từ 400.000 đến 500.000 USD (tương đương 11 tỷ đồng). Thực tế thì Yerdelens đã bán được khoảng một nửa trong số hơn 700 biệt thự, trước khi gặp khó khăn về vốn đầu tư.
Đầu tiên, giá dầu giảm mạnh ảnh hưởng đến túi tiền của những khách hàng họ nhắm tới. Sau đó một loạt sự kiện đã đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng xoáy đi xuống mà cho đến nay quốc gia này vẫn chưa thể phục hồi. Và Yerdelens cũng phải chịu ảnh hưởng.
Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2014 với lực lượng lao động hơn 2.500 người tại địa điểm gần Mudurnu. Mọi thứ diễn ra khá nhanh. Nhưng sau đó, vốn đầu tư cạn kiệt, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ, Sarot Property Group không thể thanh toán các khoản vay và việc xây dựng bị đình trệ.
Đến năm 2019, Burj Al Arab mới hoàn thành được nửa chặng đường và mọi thứ vẫn chưa tiến triển nhiều kể từ đó.
Không có biệt thự nào trong số hơn 700 biệt thự thực sự hoàn thiện và tất nhiên cũng chưa có người ở. Thay vì trở thành nơi nghỉ dưỡng nhộn nhịp cho các doanh nhân giàu có vùng Vịnh như dự định ban đầu, Burj Al Babas hiện là một điểm đến thu hút khách du lịch quan tâm và thích trải nghiệm mới lạ ở "thị trấn ma".
Mặc dù còn mất rất nhiều thời gian nữa mới hoàn thành, nhưng cho đến nay, Burj Al Babas đã tiêu tốn của các nhà đầu tư 200 triệu USD (hơn 4.700 tỷ đồng). Mặc dù đã nộp đơn xin phá sản, Sarot Property Group hy vọng cuối cùng sẽ mang đến thiên đường mà họ từng hứa với những khách hàng giàu có của mình. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã rất ủng hộ dự án, nhưng mọi thứ hiện tại không hề thuận lợi.
"Chúng tôi chỉ cần bán 100 biệt thự để trả nợ", Mezher Yerdelen, phó chủ tịch của Sarot Property Group cho biết vào năm 2018. "Tôi tin rằng chúng tôi có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này trong vòng 4 đến 5 tháng, sau đó sẽ khánh thành một phần dự án vào năm 2019".
Đó là lời khẳng định chắc nịch từ năm 2018, trước khi đại dịch Covid-19 ập đến. Còn giờ đây, người ta vẫn chưa được nhìn thấy thị trấn cổ tích mà chỉ thấy một thị trấn ma hoang tàn, u ám, lạnh lẽo.