Nhiều ngày qua, tin tức về một vụ án tại Trung Quốc khiến nhiều phụ huynh "nổi da gà". Cụ thể, vào ngày 30 tháng 7, tại huyện Vĩnh Xương, tỉnh Cam Túc, một người cha đến đồn cảnh sát và trình báo cậu con trai 21 tuổi của mình - Tiểu Mao, mất liên lạc một ngày trước đó.
Lần theo manh mối, cảnh sát nhanh chóng tìm ra một nhóm trẻ vị thành niên. Người đứng đầu trong số đó là một cậu bé 14 tuổi tên Tiểu Quách. Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu, một sự thật vô cùng kinh hoàng dần được phơi bày.
Ảnh minh họa
Cách đây không lâu, Tiểu Mao gặp bạn gái của Tiểu Quách qua sự giới thiệu của một người bạn cùng lớp, và bị nghi ngờ đã theo dõi cô. Tiểu Quách phát hiện ra, tỏ vẻ không hài lòng và nảy sinh ý định trả thù.
Tiểu Quách tìm thêm 7 người khác (tất cả đều là trẻ vị thành niên), bắt Tiểu Mao đến nhà của một trong số họ, đánh đập thanh niên này trong hai ngày. Khi Tiểu Mao hôn mê, thay vì đưa đến bệnh viện, nhóm này kéo anh đến ngọn đồi ở ngoại ô và chôn sống. Lúc cảnh sát tìm thấy, Tiểu Mao đã là một cơ thể lạnh ngắt.
Không chỉ vậy, một đoạn video của Tiểu Mao trước khi bị hại lan truyền trên Internet càng gây phẫn nộ. Trong video, Tiểu Mao quỳ trên mặt đất, bị lột sạch quần áo rồi liên tục bị đấm đá. Có ít nhất hai người chụp ảnh tại hiện trường, một trong số họ là cô gái buộc tóc đuôi ngựa, vừa hát vừa chụp ảnh.
Ngay khi "vụ án chôn sống" phơi bày, dư luận lập tức bùng nổ. Nhiều người đặt câu hỏi: "Trẻ con bây giờ bị làm sao vậy? Vì một lý do nực cười vẫn có thể hại chết người một cách dã man?!".
Nhưng trong thực tế, Tiểu Quách không phải là cậu bé đầu tiên làm tổn thương người khác và chính mình vì tình yêu trẻ con, và sẽ không phải là người cuối cùng.
Những vụ án đau lòng xuất phát từ tình yêu mới lớn
Năm 2000, Lâm Ấp (Sơn Đông, Trung Quốc): Lưu Vĩnh Tài, một nam sinh lớp 12 vì bị chuyển chỗ ngồi xa cô gái mình yêu liền tìm đến nhà hiệu trưởng. Lúc đó, thầy hiệu trưởng không có nhà, chỉ có người vợ. Ngồi được một lúc, Lưu Vĩnh Tài đứng dậy, rút dao đâm người này bảy, tám nhát rồi vội vàng bỏ đi.
Trong Boys and Girls Learn Differently, Tiến sĩ Michael Gurion nói: "Trẻ em trai có thùy trước trán và thùy chẩm kém phát triển và chậm hơn so với với trẻ em gái". Thùy trước trán là một cơ quan quan trọng để điều chỉnh cảm xúc/ Thùy chẩm để tiếp nhận và xử lý thông tin cảm giác.
Sự khác biệt trong cấu trúc não xác định rằng các bé trai bẩm sinh thường bốc đồng và hung hăng hơn. Đặc biệt là đối với nam sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, bất kỳ biến động cảm xúc nhỏ nào cũng sẽ tạo ra một làn sóng lớn trong não.
Chúng có nhiều khả năng sẽ hành động phi lý trí một khi gặp phải ngọn lửa tình yêu cuồng nhiệt, cùng với sự thiếu kỷ luật của gia đình. Kết cục là làm tổn thương người khác, hoặc tự làm mình đau đớn, đôi khi hậu quả là không thể cứu vãn.
Năm 2020, Tế Ninh (Sơn Đông, Trung Quốc): Một nam sinh 17 tuổi ra khỏi trường lúc 5 giờ sáng, nhảy xuống hồ sau khi uống một chai rượu và hút hai điếu thuốc. Hai giờ sau, cậu thiếu niên được trục vớt, cuộc đời của cậu đã vĩnh viễn dừng lại ở thời điểm này.
Trong bức thư tuyệt mệnh từ tài khoản xã hội, cậu bé viết: "Cô ấy biến mất khỏi mắt tôi, và kể từ đó tâm trí tôi trở nên đờ đẫn. Sống như thế này thì có ích lợi gì? Tôi buồn chán trước khi trải nghiệm thế giới đầy hoa. Tôi thừa nhận rằng mình đã làm sai, và tôi sẵn sàng nếu bị trừng phạt. Nhưng nếu phạt tôi không được gặp nàng trong 100 năm, tôi thà lên thiên đường trước"...
Một thí nghiệm MRI trên não cho thấy: Đàn ông và phụ nữ có những cách xử lý cảm xúc rất khác nhau.
Phụ nữ có thể đối phó với các vấn đề thông qua diễn đạt bằng lời nói và phân tích hợp lý, nhưng đàn ông dễ rơi vào phản ứng căng thẳng "chiến đấu hoặc bỏ chạy". Đối mặt với những vấn đề như thất bại trong chuyện tình cảm, các chàng trai tuổi mới lớn vốn đã dễ bị tổn thương rất có thể sẽ chọn cách trốn tránh.
Trong mắt họ, tự tử là một cách để hoàn toàn thoát khỏi vấn đề và thậm chí được giải tỏa. Nếu tình yêu trẻ con làm tổn thương các chàng trai như một cơn bùng nổ, thì đối với các cô gái, nó giống như một căn bệnh lâu dài và dai dẳng hơn.
Cách đây một thời gian, nhà văn Ye Qingcheng đã đăng tải câu chuyện trên Weibo: Một cặp đôi học sinh trung học có mối quan hệ yêu đương vượt kiểm soát gây hậu quả. Cha mẹ cô gái đã đau khổ khi phát hiện ra. Nhưng chàng trai không hề tỏ ra sợ hãi, tự tin khẳng định: "Tôi sẽ chịu trách nhiệm". Mẹ của cô gái bật khóc nói với Ye Qingcheng: "Tôi ước tôi có thể giết thằng bé".
Là người lớn, đặc biệt là những người mẹ, chúng ta đều biết quá rõ rằng trách nhiệm ở lứa tuổi học sinh phần lớn chỉ là một lời hứa suông. Dù là mang thai hay phá thai thì cuối cùng người con gái mới là người thực sự gánh chịu rủi ro và đau đớn.
Nhiều bác sĩ đã cho biết, mặc dù nhiều bé gái sẽ có kinh nguyệt khi học cấp 1, cấp 2 nhưng bộ phận sinh dục nữ chỉ phát triển hoàn thiện khi ở độ tuổi 17, 18. Quan hệ tình dục quá sớm có thể dễ gây viêm nhiễm và rách âm hộ. Ngoài ra còn có nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu, nhiễm trùng vùng chậu, thậm chí là tắc và dính ống dẫn trứng.
Bên cạnh đó, sảy thai hay sinh con đều gây tác hại rất lớn đối với cơ thể non nớt của người con gái: Chửa ngoài tử cung, rách ống sinh mềm, nhau bong non… Trường hợp nghiêm trọng có thể tử vong.
Đây chỉ là những vết sẹo có thể nhìn thấy... Có những nỗi đau khác, âm ỉ hơn về tâm lý mà đôi khi cả đời không bao giờ xóa nhòa đi được.
Thanh thiếu niên mười lăm, mười sáu tuổi nên tích cực phát biểu trong lớp và nhận được sự ưu ái của gia đình và bạn bè thay vì bị buộc phải gánh thêm gánh nặng của một cuộc sống khác khi vẫn còn quá trẻ; bị mắc kẹt trong những thứ bình thường của con cái, bếp núc và công việc nhà.
Cha mẹ nên đồng hành cùng con ra sao?
Quay lại trường hợp về Tiểu Mao bị đánh hội đồng vì nghi để ý bạn gái người khác. Sự thiếu hiểu biết của tuổi trẻ, hậu quả của việc yêu khi còn quá trẻ, sự xuống cấp về đạo đức... đều có thể trở thành nguyên nhân của tấn thảm kịch.
Nhưng là cha mẹ, chúng ta nên suy nghĩ: Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ không tránh khỏi tò mò về người khác giới và khao khát tình yêu, chúng ta nên hướng dẫn trẻ như thế nào?
Chúng ta có thể bắt đầu từ ba tình huống sau:
1. Đứa trẻ có người mình thích, nhưng chưa bắt đầu mối quan hệ
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng việc yêu đương có thể gây ra tác động tiêu cực về cảm xúc, ảnh hưởng đến điểm số của con cái. Nhưng cần xác định, tình yêu tuổi mới lớn là điều vô cùng bình thường, hầu như ai cũng từng trải qua.
Khi phát hiện thấy con mình có tình cảm khác giới, điều đầu tiên cần làm không phải là chế giễu, trách mắng mà thay vào đó, hãy dành cho con sự chấp nhận và động viên nhiều hơn. Giống như Giáo sư Lý Mai Cẩn đã gợi ý, bạn có thể nói chuyện với con về những ưu điểm của con và người con thích, để trẻ hiểu rằng điều thực sự thu hút chúng không phải là một người nhất định, mà là một đặc điểm.
Bạn cũng có thể chia sẻ những trải nghiệm cảm xúc của mình với con để chúng biết rằng chúng không đơn độc.
2. Đứa trẻ đang trong một mối quan hệ
Tình yêu tuổi mới lớn luôn đầy rẫy những xáo trộn. Lúc này, cha mẹ cần ở bên cạnh định hướng, nhất là để trẻ hiểu rằng bản chất của tình yêu thương là trách nhiệm. Chúng ta có trách nhiệm với những người chúng ta yêu thương, nhưng quan trọng hơn là đối với chính chúng ta.
3. Đứa trẻ đang lạc lối
Nhà văn Wu Nianzhen từng nói: "Nếu một ngày nào đó, con trai quay lại ôm chúng tôi và khóc khi chia tay, thì chúng tôi đã thành công. Lần đầu tiên con làm việc đó là khi chia tay hồi cấp hai. Con đến phòng tôi vào buổi tối, ôm tôi và khóc thảm thiết. Một mặt, tôi cảm nhận được con rất đau khổ, mặt khác, tôi lại rất vui vì con đã thực sự như vậy".
Trẻ em ngày nay phát triển nhanh hơn về thể chất, trưởng thành sớm về trí tuệ và có thế giới tinh thần phong phú hơn. Nhưng điều không thay đổi là chúng vẫn dễ bị tổn thương và vẫn cần sự giúp đỡ của cha mẹ.
Đối mặt với một đứa trẻ đang có vấn đề về tâm lý, một bữa ăn gia đình, một đôi giày thể thao và thời gian kiên nhẫn lắng nghe sẽ trở thành liều thuốc tốt nhất để chữa lành.
Là cha mẹ, chúng ta không ủng hộ tình yêu của con cái khi còn quá nhỏ, nhưng chúng ta cần luôn hiểu đứa trẻ khao khát yêu và được yêu. Điều cha mẹ cần làm đó là cố gắng hết sức để con hiểu: Tình yêu không phải là sự buông thả, không phải là tổn thương mà là trách nhiệm, thứ khiến con người ta tốt hơn.