Đài Sputnik dẫn mô hình dự báo mới nhất của Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết 2 luồng bức xạ bùng nổ từ Mặt trời vào 2 ngày 14 và 15-8 đang hướng về Trái đất, dự kiến tấn công hành tinh của chúng ta vào ngày 18-8. Hai CME này có khả năng làm gián đoạn và gây hư hại cho lưới điện cũng như tàu vũ trụ trên quỹ đạo.
Theo NOAA, CME thứ nhất là một đám mây plasma đen, còn CME thứ hai gây ra nguy cơ bão địa từ.
Hoạt động gia tăng trên bề mặt Mặt trời khi nó đạt đến cực đại trong 11 năm qua làm xuất hiện các chùm tia hướng về Trái đất. CME đã tấn công hành tinh của chúng ta vài lần trong những tháng gần đây.
NOAA cho biết CME có thể gây ra các cơn bão địa từ nhỏ G1 hoặc các cơn bão địa từ G2-G5 nghiêm trọng hơn, dẫn tới sự biến động của lưới điện, làm nổ máy biến áp và kích hoạt cảnh báo điện áp trên các hệ thống điện nếu nó diễn ra trong một khoảng thời gian dài. CME cũng có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu vũ trụ, liên lạc vô tuyến và tạo ra cực quang tuyệt đẹp thắp sáng bầu trời đêm.
Năm 1859, một cơn bão Mặt trời tồi tệ nhất từng tác động đến Trái đất được gọi là "Sự kiện Carrington". Nó tạo ra dòng điện mạnh đến mức khiến các thiết bị điện báo bốc cháy, đồng thời hình thành cực quang mạnh đến mức có thể được nhìn thấy ở gần xích đạo.
Gần đây nhất, hồi tháng 4-2022, một cơn bão Mặt Trời mạnh ở mức G3 đã được NOAA ghi nhận. Nó bắt đầu được quan sát vào lúc 1 giờ 10 phút sáng 10-4 theo giờ EDT, tức 12 giờ 10 phút trưa 10-4 theo giờ Việt Nam.
Cơn bão bắt nguồn từ một vụ bùng nổ bức xạ từ Mặt trời, khiến từ trường liên hành tinh bị xáo động trong nhiều giờ.
Những cơn bão Mặt trời gây ra thiệt hại không nhỏ cho công nghệ của con người và động vật, như ảnh hưởng tới hệ thống điện, hệ thống định vị của vệ tinh và động vật di cư. Ở mức cao nhất là G5, lưới điện có thể sụp đổ gây nên thảm họa, định vị vệ tinh có thể bị hỏng hoàn toàn và cực quang sẽ "bùng nổ" trên toàn cầu.