Có thể khởi kiện
Chiều 19/3, bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đã tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ. Trong chương trình, công ty này đã tổ chức tiết mục đua chó, đua ngựa . Đáng chú ý, những chú chó, ngựa... lại được đặt tên theo tên của những người đang có mâu thuẫn với bà Nguyễn Phương Hằng như nhà báo Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Vy Oanh…
Sự việc này đã gây bức xúc dư luận và đặt ra nhiều vấn đề tranh cãi.
Trưa 21/3, trao đổi với PV, luật sư Tri Đức (Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hành vi đặt tên cho "chó, ngựa" bằng tên người là hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội làm nhục người khác.
Đồng thời, người bị xâm phạm có quyền yêu cầu người thực hiện hành vi gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.
Đồng quan điểm với luật sư Tri Đức , luật sư Thái Phương Quế (Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Hiến pháp 2013, mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm và có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Vì vậy, hành vi gây ảnh hưởng xấu, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác là vi phạm pháp luật và có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật, căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Pháp luật có cấm không?
Về vấn đề đặt tên, luật sư Quế cho biết không có quy định cấm sử dụng tên người để đặt tên cho động vật. Tuy nhiên, trong vụ việc lần này, hành vi sử dụng nghệ danh, bút danh của người nổi tiếng… để gọi động vật như chó và ngựa, nhất là khi các cá nhân này đang có mâu thuẫn với bà Nguyễn Phương Hằng là một hành động có chủ đích.
Theo quy định tại Điều 11 Bộ luật dân sự 2015, khi một cá nhân cho rằng có hành vi gây xúc phạm nhân phẩm, uy tín của mình thì họ có quyền yêu cầu cá nhân đã xúc phạm danh dự của mình chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, nếu hành vi nêu trên nhằm mục đích khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, hành vi này được thực hiện tại buổi giao lưu ở khu du lịch Đại Nam và phủ sóng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho nên nếu có căn cứ cho rằng hành vi này xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hình phạt đối với tội danh này là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Luật sư Thái Phương Quế chia sẻ thêm, văn hoá lâu đời của nước ta kiêng kỵ gọi thẳng tên riêng để bày tỏ sự tôn trọng trong xã hội. Đến nay, đây vẫn là một nét văn hoá ứng xử tốt đẹp của người Việt, cho nên khi tên của một người được sử dụng để gọi tên cho động vật, thì dù cố ý hay vô ý, đây vẫn là hình vi đi ngược lại với văn hoá ứng xử, với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trong xã hội hiện đại, tiêu chuẩn đạo đức cộng đồng không chỉ dừng lại trong cuộc sống thực tế mà tiêu chuẩn đó cũng phải được tuân thủ trên mạng xã hội. Chính vì vậy, những hành vi tương tự cần phải được kịp thời can thiệp, chấn chỉnh và xử lý nghiêm, nếu không nó sẽ trở thành một tiền lệ xấu. Đồng thời còn đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, văn minh cho người sử dụng.