Giáo sư Chen Yutao, Liu Hongna và cộng sự (Bệnh viện Trung ương Tô Châu, Trung Quốc) đã chia sẻ về một ca cấp cứu bệnh nhân suy thận với thói quen bữa sáng tưởng chừng như vô hại.
Cụ thể, ông Zheng (43 tuổi, sống ở Tô Châu, Trung Quốc) sau khi cảm thấy đau nhức vùng hông chậu, căng tức, đi tiểu khó khăn nên được gia đình đưa đến bệnh viện Trung ương Tô Châu để cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện lượng acid uric, protein trong nước tiểu của ông Zheng có dấu hiệu bất thường, huyết áp cao, biểu hiện của suy thận. Sau nhiều giờ cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng nửa tháng, tình trạng bệnh của ông Zheng trở nặng và cuối cùng đã không qua khỏi.
Sau khi tìm hiểu, các bác sĩ phát hiện ra hầu như ngày nào ông Zheng cũng ăn súp thịt cừu vào bữa sáng. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng suy thận của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng.
Tăng Acid uric máu có thể gây nên bệnh gout, suy thận,...
Người nhà nam bệnh nhân cho biết, ông Zheng là chủ một cửa hàng thịt cừu. Trước đó 3 năm, khi đi khám sức khỏe, mức acid uric trong cơ thể của ông cũng cao nhưng do không bị gout nên ông chủ quan và vẫn tiếp tục duy trì chế độ ăn uống của mình.
Acid uric là gì?
Acid uric là một hợp chất dị vòng của cacbon, oxi, hydro và nitơ, được tạo thành trong cơ thể do quá trình thoái giáng các nhân purin. Tiếp theo chúng được hòa tan trong máu và cuối cùng chúng được đưa đến thận rồi thải ra ngoài qua nước tiểu.
Chỉ số acid uric có khả năng quyết định chẩn đoán về bệnh gout mà bệnh nhân có mắc phải hay không, phản ảnh rõ mức độ nghiêm trọng người bệnh đang ở giai đoạn nào.
Acid uric là sản phẩm chuyển hóa các chất đạm được tìm thấy ở trong nhiều thực phẩm như phủ tạng động vật, đậu Hà Lan, cá biển hoặc những đồ uống có cồn như rượu, bia,...
Bình thường, nồng độ Acid uric máu ở khoảng 420 micromol/lít ở nam và 360 micromol/lít ở nữ. Nếu như nồng độ vượt quá ngưỡng cho phép này thì sẽ được gọi là tăng Acid uric máu.
Acid uric máu khi tăng cao gây tác hại gì?
Đứng hàng đầu trong chứng tăng acid uric máu là người đã và đang mắc bệnh gout. Khi bị bệnh gout thì chắc chắn có acid uric trong máu tăng. Tuy vậy, khi xét nghiệm thấy acid uric máu tăng thì chưa chắc là mắc bệnh gout.
Một số bệnh liên quan đến tăng acid uric máu như bệnh sỏi thận, suy thận mạn, bệnh đa u tủy xương, thiếu máu tan máu, bệnh bạch cầu (leucemia), dùng hóa chất gây độc tế bào trong điều trị bệnh ung thư, một số người tăng huyết áp hoặc bệnh đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu.
Với người cao tuổi, tăng acid uric máu càng gây bất lợi hơn. Khi tăng acid uric máu, nếu chúng kết tủa và lắng đọng ở tim, mạch thì sẽ gây viêm mạch máu, xơ vữa động mạch gây thiểu năng mạch vành, đột quỵ hoặc gây viêm màng ngoài tim. Nếu kết tủa ở vùng đầu thì có thể gây viêm kết mạc, viêm mống mắt, viêm tuyến mang tai, viêm màng não.
Nếu kết tủa ở vùng sinh dục, các tinh thể uric gây viêm tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt. Theo một nghiên cứu tại Hà Lan, những bệnh nhân bị gout ở tuổi trung niên thường dễ bị tăng huyết áp (43%), tăng cholesterol máu (5%) và đái tháo đường (>50%). Vì thế, các chuyên gia về khớp có một nhìn nhận mới: bệnh gout là dấu hiệu sớm của các bệnh về tim, mạch.
Thịt cừu là một trong những thực phẩm gây tăng Acid uric máu
Thực phẩm làm tăng acid uric máu
- Thịt cừu: Đây là thực phẩm có hàm lượng purin cực kỳ cao. Nếu tiêu thụ trong thời gian dài sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất acid uric trong cơ thể, tăng gánh nặng chuyển hóa của thận. Ngoài ra, purin còn dễ hòa tan trong nước khiến cho hàm lượng purin trong súp thịt cừu không hề giảm.
- Hải sản: Tương tự, hải sản cũng là thực phẩm chứa nhiều purin, đặc biệt là các loại có vỏ. Ăn quá nhiều hải sản sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất acid uric trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thận, tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
- Nội tạng động vật: Gan lợn, tim lợn và các loại nội tạng động vật khác là những thực phẩm có chứa hàm lượng purin cao. Vì vậy, người có acid uric cao tốt nhất không nên ăn.
- Các loại hoa quả chua, đồ lên men, các loại nấm, măng, giá đỗ đều có thể làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể
- Rượu: Có khả năng gia tăng sự tạo acid uric trong gan và ngăn cản thận thải acid uric.
Nguồn: Aboluowang; Vinmec