Tài chính

"Vũ điệu" vàng có tái diễn?

Thị trường vàng ảm đạm

Trong bối cảnh, giao tranh Nga - Ukraine, nguy cơ lạm phát trên toàn thế giới bùng trở lại, nhà đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn. Nhu cầu tăng khiến giá vàng thế giới tăng vọt. Ngay lúc đó, giá vàng thế giới “nhảy múa”, lên mức cao nhất trong lịch sử với 74,4 triệu đồng/lượng (tại phiên giao dịch ngày 8/3). Giá vàng trong nước có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng.

Sau khi tăng giá phi mã, thị trường vàng chững lại và giảm dần khi giao tranh Nga - Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt, các cuộc đàm phán ngừng chiến bắt đầu có tín hiệu khởi sắc. Chỉ trong vòng 4 ngày, giá vàng thế giới rơi xuống mức 1.900 USD/ounce. Giá vàng trong nước lao dốc gần 8 triệu đồng/lượng. Sau khi lao dốc, giá vàng dao động từ 67-69 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong 5 năm qua, thị trường vàng trong nước trải qua 2 “cơn sốt” giá. Cơn sốt đầu tiên khiến giá vàng trong nước tăng vọt lên mức 60 triệu đồng/lượng vào đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Lo lắng dịch bệnh, đà suy giảm kinh tế đã khiến nhà đầu tư tìm đến vàng. Sau khi lập mặt bằng giá mới với mức trên 60 triệu đồng/lượng, giá vàng đi vào ổn định trong gần 2 năm qua.

“Cơn sốt” giá thứ 2 của thị trường vàng trong nước diễn ra đầu tháng 3/2022 khi giao tranh Nga - Ukraine xảy ra. Giá vàng vọt lên mức cao nhất lịch sử 74,4 triệu đồng/lượng, sau đó giảm xuống 68-69 triệu đồng/lượng và giữ bình ổn trong những ngày qua.

Mỗi khi tình hình chính trị thế giới biến động, tiềm ẩn nguy cơ bất trắc như xảy ra chiến tranh, nhà đầu tư thường tìm đến vàng là tài sản trú ẩn an toàn. Chiến tranh dần hạ nhiệt, tâm lý nhà đầu tư ổn định, tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, cũng là lúc thị trường vàng bình ổn trở lại.

Tại Việt Nam, sau khi Nghị định 12 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, vàng không còn được xem là đơn vị giao dịch. Hàng hóa, tài sản không được quy đổi, so sánh với giá vàng. Sau nhiều năm giá vàng ổn định, nhà đầu tư không còn mặn mà với vàng vì so sánh lợi nhuận kém xa với một số kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản…

Ngoài ra, những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2022 khi các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế dần có hiệu lực đã khiến cho nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào ngành kinh tế khác. Đây là một trong các nguyên nhân khiến thị trường vàng ảm đạm trong thời gian qua.

"Với thị trường vàng, nhà đầu tư không nên đầu tư theo phong trào, mà cần có sự nghiên cứu, hiểu thị trường vàng đang diễn biến thế nào, để đưa ra quyết định khôn ngoan".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo


Không nên mua vàng theo phong trào

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao. Nếu găm vàng, người mua phải trả với mức giá đắt hơn từ 15-18 triệu đồng/lượng (tuỳ theo thời điểm) so với giá thế giới. Điều này khiến nhà đầu tư gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều.

“Nhà đầu tư chỉ nên mua vàng với món nhỏ khi thực sự cần thiết. Hiện nay không phải thời điểm thích hợp để mua vàng đầu tư dài hạn. Người dân chỉ nên nên mua khi chênh lệch giá thị trường vàng trong nước và thế giới ở mức hợp lý, với mức 2-3 triệu đồng/lượng”, ông Thịnh khuyến cáo.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để tránh rủi ro, nhà đầu tư không nên bỏ trứng vào một giỏ. Với khoản tiền nhàn rỗi, nhà đầu tư chỉ nên đầu tư một phần vào vàng, số còn lại chia sang kênh đầu tư khác như bất động sản, sản xuất kinh doanh.

“Với thị trường vàng, nhà đầu tư không nên đầu tư theo phong trào, mà cần có sự nghiên cứu, hiểu thị trường vàng đang diễn biến thế nào, để đưa ra quyết định khôn ngoan”, ông Hiếu chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm