Tài chính

Các công ty dùng thứ bỏ đi để tạo ra mỏ vàng Bitcoin, người dân bức xúc vì ô nhiễm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trong một khe núi sâu trong dãy núi Appalachian, Warren Rogers đứng trên đống đổ nát của một nhà máy lọc than bỏ hoang, nơi từng chuẩn bị hàng trăm tấn nhiên liệu mỗi ngày để vận chuyển qua thị trấn nhỏ bé Belfry, Kentucky.

Các công ty dùng thứ bỏ đi để tạo ra mỏ vàng Bitcoin, người dân bức xúc vì ô nhiễm - 1

Các đội xây dựng của anh Warren Rogers đã làm việc liên tục từ 10 đến 12 giờ trong suốt mùa đông, trang bị lại địa điểm cũ để cung cấp năng lượng cho một loại hoạt động khai thác mới: khai thác tiền kỹ thuật số bitcoin.

Tuy nhiên, cơn khát năng lượng của những xưởng đào coin khiến các nhà máy đốt than không còn hoạt động đủ nhu cầu. Khi đó, các nhiều nhà máy tái chế rác thải cũng phải hoạt động ngày đêm, khiến người dân còn không có nước sạch để uống.

Sống chung với rác thải

Từng là một nhà đầu tư mạo hiểm, nhưng những năm gần đây Rogers đã tìm kiếm khắp dãy núi Appalachia để xây dựng địa điểm và nguồn năng lượng khai thác Bitcoin.

Một khi công trình hoàn thành, nhà máy có thể tạo ra hơn 3 Bitcoin/ngày, trị giá khoảng 100.000 USD. Tuy nhiên, Blockware Solutions ước tính công xưởng sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn tất thảy nhà máy ở Belfry cộng lại.

Thời điểm các dự án về môi trường hạn chế hoạt động của ngành công nghiệp đào coin cũng chính là lúc xu hướng này manh nha phát triển ở Kentucky. Mỗi năm, mức năng lượng lĩnh vực này tiêu tốn tương đương với một quốc gia có diện tích như Malaysia, theo Đại học Cambridge.

Nhà kinh tế học Alex de Vries cho biết Kentucky là tiểu bang xả khí thải nhiều nhất nước Mỹ. Ông ước tính tổng lượng phát thải khí nhà kính (carbon footprint) ở đây đã đạt mức 3,1 triệu tấn/năm. Con số này tương đương với việc vận hành 650.000 phương tiện thông dụng.

Điều này đã dấy lên nhiều mối lo ngại cho Lane Boldman, Giám đốc điều hành Ủy ban bảo tồn Kentucky. “Điều đáng lo là xu hướng đào coin này sẽ khuyến khích các nhà máy năng lượng cũ tiếp tục đốt nhiên liệu, xả thải ra môi trường”, bà chia sẻ.

Nhiều người dân tại Kentucky cũng vô cùng bức xúc trước hàng loạt những ảnh hưởng lên môi trường của ngành đào Bitcoin. “Thật vô lý khi ở Appalachia, chúng tôi chẳng có nước sạch để dùng nhưng lại sở hữu mỏ đào coin trị giá hàng triệu USD”, Nina McCoy, một giáo viên Sinh học sống ở Inez, chia sẻ.

Bà cho biết giờ đây người dân còn không dám tin vào nguồn nước uống hiện có. “Rác từ khắp mọi nơi về đổ về rồi được đem đi đốt ở nơi chúng tôi đang sinh sống”, bà McCoy bày tỏ phẫn nộ.

Tháng 9/2021, Trung Quốc ban hành lệnh cấm toàn bộ các giao dịch và hoạt động đào Bitcoin do lo ngại các vấn đề về môi trường. Các nhà lập pháp ở New York cũng vừa công bố dự luật cấm khai thác tiền mã hóa vì ảnh hưởng đến mục tiêu về môi trường tại đây.

Bên cạnh đó, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra trước quan điểm chính những nhà máy khai thác Bitcoin sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, bù đắp khoảng trống khi ngành đào mỏ và các nguồn năng lượng khác suy tàn.

Năm 2016, ngành khai thác than tuyển dụng hơn 6.000 công nhân để phục vụ mỗi mỏ, theo Nội các Năng lượng và Môi trường Kentucky. Trong khi đó, quy trình đào Bitcoin chỉ cần khoảng 12 nhân công cốt cán để canh gác và đảm bảo nhà máy ở Belfry hoạt động.

Nhưng hiện nay, các mỏ than tại đây đã cắt giảm nhân sự xuống còn 4.000 thợ đào. Đây là mức giảm mạnh so với con số 50.000 thợ đào vào năm 1970. Do đó, các công nhân đào Bitcoin cho rằng chính họ đã giúp cho ngành công nghiệp địa phương thu hút thêm nhiều vốn đầu tư.

Chia sẻ
Theo Huy Nguyễn (Theo India Times) (Dân Việt)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm