Liên quan đến vụ tu sửa đình Chèm, ngày 25/3, lãnh đạo phòng Quản lý di sản (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin nền đá, bậc thềm, chặt hạ cây đa nhiều năm tuổi ở ngôi đình khiến nhiều người tỏ ra tiếc nuối, đơn vị đã giao Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội phối hợp cùng Phòng Văn hoá, Thể thao quận Bắc Từ Liêm kiểm tra.
Đoàn kiểm tra có sự tham gia của Thanh tra Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội. Sau khi có nội dung thanh tra cụ thể, đơn vị sẽ cung cấp tới báo chí.
Trước đó, ngày 24/3, chúng tôi đã có mặt tại ngôi đình này, theo quan sát, đình Chèm đang được rất nhiều công nhân tu sửa, phía ngoài đình, các bậc đá đã được đập ra, đáng chú ý, cây đa cổ thụ trước cửa đình đã bị đốn hạ.
Cây đa trước cửa đình Chèm bị chặt hạ
Khi cây đa ở đình Chèm bị chặt đi, nhiều người dân địa phương đã bày tỏ sự tiếc nuối. "Cây đa đẹp lắm bị chặt đi ai cũng tiếc", người dân địa phương cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thắng (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ông đã rơi nước mắt khi cây đa không còn. 3 năm qua, cùng với công việc quét dọn ở đình làng, ông Thắng luôn coi hình ảnh cây đa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
"Cây đa được chặt hạ cách đây 5 ngày, từ đó đến giờ mỗi khi ra đây tôi đều luyến tiếc, có lúc bật khóc vì tiếc quá. Tôi lớn lên tại đây, hằng ngày ra đây hóng mát, ngắm cảnh, thế nhưng giờ không còn nữa khiến tôi khá lưu luyến. Hôm biết tin cây đa bị chặt tôi không dám ra xem vì tiếc quá!", ông Thắng tâm sự.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Mạnh Thìn, trưởng ban khánh tiết đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau khi làm các công văn, được sự nhất trí của sở văn hóa Hà Nội cũng như Bộ văn hóa, một số hạng mục ở đình Chèm mới được tu bổ.
Theo ông Thìn, các hạng mục tại đình được tu bổ gồm: Toàn bộ hệ thống tường rào và cây xanh xung quanh đình; hạ cốt sân trước và sân sau đình để đảm bảo trả lại nguyên vẹn đình Chèm trước kia có 5 bậc và phần ngói của ngôi đình.
"Dù được tu bổ lại nhưng đình làng vẫn được giữ lại các thiết kế, và không làm mất đi giá trị cốt lõi của ngôi đình. Chúng tôi cũng đã thống nhất và có văn bản phải giữ lại tối thiểu 20% giá trị của ngôi đình. Các bậc đá phần lớn được giữ lại, không làm biến trạng của di tích", ông Thìn nói.
Một số bậc đá bị đào lên cũng bị nứt, vỡ
Trong quá trình tu sửa, một cây đa đỏ có tuổi đời vài chục năm bị chặt hạ khiến nhiều người dân bức xúc. Về việc này, ông Thìn cho rằng, khi lập kế hoạch tu sửa cũng đã lấy ý kiến của các cụ trong phường, do cây đa ở trước cổng không phải là cây đa cổ thụ mà đây là cây đa đỏ, được trồng từ năm 1996.
"Cây đa này phát triển rất tốt, nhưng về phong thuỷ thì không đạt, nó án ngữ trước cửa đình. Bên cạnh đó, lối thoát nước của nhà đình ra sông Hồng đi qua gốc cây đa, hằng năm cây bị nghiêng từ 5 đến 10cm, do đó chúng tôi đề nghị cắt bỏ. Ngoài ra chúng tôi còn có một số hạng mục cắt tỉa cành cây để phòng chống bão lụt. Tuy nhiên vừa rồi tôi bị Covid-19 nên các cháu cắt tỉa hơi nặng tay", ông Thìn chia sẻ.
"Kinh phí dự kiến khoảng hơn 10 tỷ, trong đó có nguồn kinh phí xã hội hóa khoảng hơn 1 tỷ, còn lại của quận và thành phố. Dự kiến sẽ hoàn thành xong trong tháng 4 tới đây", ông Thìn cho biết thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Phong, Chủ tịch UBND phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Dự án này theo chủ trương của quận, do quận là chủ đầu tư, phường chỉ nắm bắt phối hợp, tất cả quá trình do quận triển khai. Các hạng mục xuống cấp sẽ được tu bổ, thay thế, để đảm bảo được tuổi thọ của công trình".