Bắt đầu từ tháng 3/2021, bà Nguyễn Phương Hằng là cái tên được nhiều người biết đến thông qua những livestream trên mạng xã hội. Sau sự việc với ông Võ Hoàng Yên, bà Hằng đã lên tiếng nhiều nghệ sĩ "ăn chặn" tiền từ thiện. Đồng thời, nữ CEO Đại Nam cũng thường xuyên "gọi tên" nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển... trên sóng livestream.
Trong suốt 1 năm qua, nhà báo Hàn Ni đã gửi đơn lên cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Dương, TP.HCM về hành vi vi phạm pháp luật của bà Phương Hằng. Ngày 24/3, Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trưa 25/2, PV đã có cuộc trao đổi với nhà báo Hàn Ni về những vấn đề trên.
Danh dự bị ảnh hưởng rất nặng nề
- PV: Suốt 1 năm qua, kể từ khi bà Nguyễn Phương Hằng nhiều lần nhắc tên bà trên sóng livestream, cuộc sống bà thay đổi thế nào?
Nhà báo Hàn Ni: Cuộc sống của tôi hoàn toàn bị đảo lộn, danh dự ảnh hưởng rất nặng nề. Nhà tôi đã bị các YouTuber rình rập, lén quay video. Hình ảnh bản thân bị cắt ghép đưa lên mạng xã hội, vu khống những điều không đúng sự thật. Áp lực từ khắp nơi khiến chất lượng cuộc sống của tôi giảm đi, làm việc cũng không hiệu quả.
Tôi rất bức xúc. Tôi đã gửi đơn cho cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương vào tháng 9/2021 nhằm để ngăn chặn hành vi làm nhục, bôi nhọ của bà Hằng trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, tình trạng bà ấy livestream vẫn tiếp tục diễn ra.
Tôi nghĩ việc đúng - sai, cơ quan chức năng sẽ điều tra và xử lý. Nếu như ai cũng lên mạng nói người khác sai mà không có chứng cứ, dù sau này có phục hồi danh dự đi nữa, thì uy tín của người ta cũng bị giảm sút rất nhiều.
Nhà báo Hàn Ni
- PV: Cụ thể, nội dung đơn tố cáo bà Phương Hằng là gì, thưa bà?
Nhà báo Hàn Ni: Vào tháng 9/2021, bà Hằng lấy hình ảnh của tôi tung lên mạng xã hội, nói rằng tôi ăn chặn tiền doanh nghiệp, cho rằng tôi đang "cặp kè" với một người đàn ông khác. Thời điểm dịch bệnh, tôi phải báo công an tỉnh Bình Dương theo hình thức trực tuyến.
Khi sự việc ngày càng nghiêm trọng hơn, có những nội dung đe dọa đánh, giết nhắm vào tôi được bà Hằng nhắc đi nhắc lại liên tục trong cả buổi livestream. Trong đơn trình báo khẩn cấp, tôi có nêu rõ mong cơ quan chức năng xử lý kịp thời những hành vi đe dọa giết người, nguy cơ xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, lợi ích hợp pháp của tôi.
Tháng 10/2021 cho đến nay, tôi đã nhiều lần làm việc với Công an TP.HCM và Công an tỉnh Bình Dương.
Bà Phương Hằng nhiều lần tìm gặp
- PV: Mọi thứ không chỉ diễn ra trên không gian mạng, trước đó, bà Hằng đã từng đến tìm gặp bà?
Nhà báo Hàn Ni: Cụ thể, vào ngày 21/11, bà Hằng từng đến tìm tôi tại trụ sở báo Sài Gòn Giải Phóng (432 - 434 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP.HCM). Tuy nhiên, tôi không có mặt, đồng thời lãnh đạo báo cũng không đón tiếp.
Ngày 2/3, bà Phương Hằng tiếp tục đến nhà riêng của tôi tại quận 7. Lúc này, có rất đông YouTuber, người dân hiếu kì đứng xem. Tôi có chuông cửa, cạnh đó là biển nêu rõ thông tin "làm việc từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều".
Tuy nhiên, bà Hằng lại nhấn chuông liên tục vào 20 giờ tối. Đồng thời, nhóm YouTuber đi cùng bà Phương Hằng rất hung hăng. Họ quay clip thì không sao, khi người ta quay ngược lại, họ bắt xóa, ôm cổ, giật máy. Mọi thứ diễn ra khiến tôi rất mệt mỏi.
Xe chở bà Phương Hằng tại trụ sở báo Sài Gòn Giải Phóng (Ảnh: Mỹ Quỳnh)
Cách đây 2 ngày, có 4 người đã tới tận cửa nhà, lúc tôi và một người bạn đang ăn sáng ở phía đối diện. Họ chĩa máy quay về phía tôi, sau khi lời qua tiếng lại thì xảy ra xô xát khiến công an phường phải xuống giải quyết.
Trước đó, khi tôi gửi đơn trình báo khẩn cấp, Công an TP.HCM đã gửi đơn xuống cho Công an quận để bảo vệ khu vực mà tôi sinh sống.
- PV: Sau khi chuỗi sự việc này khép lại, bà mong mỏi nhất điều gì?
Nhà báo Hàn Ni: Bà Hằng dùng tên người để đặt tên cho chó, người tại Đại Nam. Bà ấy dùng những từ ngữ nhục mạ dành cho tôi, lan tỏa văn hóa xấu đếu thế hệ trẻ. Thậm chí, có những luật sư, giảng viên có trình độ nhưng không có nhận thức, chấp nhận ủng hộ, cổ vũ cho việc đi chửi người khác.
Những người cổ động đó khiến cho bà Hằng có thêm niềm tin việc đi chửi người khác là "đúng pháp luật", khiến sự việc nghiêm trọng, xuất hiện với tần suất dày đặc hơn.
Sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, mong muốn lớn nhất của tôi là mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh để bà Nguyễn Phương Hằng dừng việc quấy rối xã hội, lan truyền thông tin sai sự thật.