Sebastião Salgado là một trong những nhiếp ảnh gia tài liệu danh tiếng trên thế giới. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1994 sau khi ông ghi hình tại nạn diệt chủng Rwandan. Để tự tìm cách chữa lành cho bản thân, ông trở về quê tiếp nhận trang trại của gia đình nằm trong khu vực Minas Gerais, Brazil. Tuy nhiên ông đã sốc khi thấy khu vực này từng được bao phủ bởi một cánh rừng nhiệt đới thì nay chỉ đã trở nên cằn cỗi.
Đất đai thiếu cây xanh dần bị xói mòn, ô nhiễm, động vật hoang dã không còn nơi cư ngụ. Thực tế chỉ còn lại 0,5% đất đai được bao phủ bởi cây xanh... Điều này đã khiến cho quê hương của ông giờ đây giống như một vùng đất chết.
Tuy nhiên thực trạng này đã khơi dậy nguồn cảm hứng trong Lélia, vợ của Salgado. Bà nảy ra ý tưởng trồng lại cánh rừng. Ban đầu ông cho rằng đây là một việc làm bất khả thi nhưng với sự quyết tâm, ông đã từng bước đem lại sự sống cho mảnh đồi trọc.
Vợ chồng ông đã thuê 24 nhân công và thành lập nên tổ chức mang tên Instituto Terra, là một tổ chức với dự án trồng rừng và đem lại sự sống cho những vùng đất chết. Sau một thời gian hoạt động, dự án được nhiều người biết đến và đã thu hút được một số lượng lớn những tình nguyện viên đến đóng góp sức lực và tiền bạc. Họ cùng nhau vun trồng những mầm non, cải tạo lại đất đai, chăm sóc và trò chuyện cùng cây cối mỗi ngày.
"Chỉ có một thứ duy nhất có thể biến đổi CO2 thành oxy, đó là cây xanh. Chúng ta cần trồng lại rừng, và là rừng với cây bản địa. Nếu bạn trồng rừng với những loại cây ngoại lai, động vật sẽ không trở về và đó sẽ chỉ là một khu rừng chết, không âm thanh", Salgado chia sẻ.
Trong suốt 20 năm, tổ chức Instituto Terra đã trồng 2 triệu cây xanh. Khu rừng rộng 709ha từng là vùng đất cằn cỗi đã trở lại lại trạng thái ban đầu như một thiên đường nhiệt đới. Hệ sinh thái của khu rừng tạo môi trường sinh trưởng cho hàng trăm loại động thực vật.
Hiện khu vực này được coi là Khu bảo tồn Di sản Thiên nhiên tư nhân, ước tính có khoảng 293 loài cây, 172 loài chim, 33 loại động vật có vú, cùng 15 loài lưỡng cư và bò sát trong đó có có cả những loài quý hiếm đang bị đe doạ.
Khu vực Minas Gerais trước và sau khu phục hồi
Dự án trồng rừng này là một trong những sáng kiến có giá trị giúp kiểm soát xói mòn đất và hồi sinh các lòng hồ, lòng suối tự nhiên. Nhờ việc tại tạo lại rừng cây, khu vực này đã đón nhận một lượng mưa nhiều hơn so với mọi năm, thời tiết cũng trở nên mát mẻ dễ chịu hơn và đặc biệt hiện tượng hạn hán không còn xảy ra.
Diện mạo khu rừng sau 18 năm
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, 129 triệu ha rừng, một khoảng diện tích tương đương với Nam Phi đã biến mất mãi mãi kể từ năm 1990, và con số này vẫn đang tăng dần lên qua các năm. Điều này khiến cho vô số loài thực vật và động vật hoang dã mất đi môi trường sống, nó cũng khiến cho hành tinh của chúng ta, ngôi nhà chung của chúng ta bị tàn phá nặng nề.
Phải làm gì để đối mặt với cuộc tàn sát tự nhiên lớn đến như vậy là câu hỏi mà rất nhiều người đang đau đáu đi tìm câu trả lời hàng đêm. Nó khiến cho con người cảm thấy thật nhỏ bé và bất lực. Thế nhưng, cho dù chỉ bé như một hạt cát, Sebastião Salgado và vợ Lélia Deluiz Wanick Salgado đã chứng tỏ rằng chỉ cần sự đam mê và tận tụy, chúng ta có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể.
Dự án đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, đưa ra một dẫn chứng vô cùng cụ thể về hành động sinh thái tích cực và cũng cho thấy môi trường sống của chúng ta có thể được phục hồi nhanh chóng như thế nào nếu có một thái độ đúng đắn.
Theo All Thats Interesting