Theo báo cáo giao dịch, tổ chức có trụ sở tại thiên đường thuế British Virgin Islands là Foremost Worldwide Limited cho biết đã bán ra 5.710.209 cổ phiếu NCG của Nova Consumer trong phiên giao dịch 28/12/2023. Sau giao dịch, nhà đầu tư ngoại này còn nắm giữ 7.061.791 cp. Tỷ lệ sở hữu giảm từ 10,6625% còn 5,8954%.
Nhà đầu tư ngoại này cho biết lý do thực hiện giao dịch là cơ cấu danh mục đầu tư.
Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 28/12, thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận hơn 5,91 triệu cổ phiếu NCG từ nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 99,87 tỷ đồng, tương đương mức giá 16.900 đồng/cp. Nhiều khả năng đây là giao dịch của Foremost Worldwide Limited.
Theo tìm hiểu, nhà đầu tư ngoại này không tham gia mua cổ phần khi Nova Consumer chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) vào tháng 3/2022. Thời điểm đó, thương vụ IPO này diễn ra khá sôi động khi lượng đặt mua là hơn 14,5 triệu cp, gần gấp rưỡi lượng chào bán 10,9 triệu. Trong đó, 182 cá nhân trong nước và 1 tổ chức ngoại tham gia mua với giá 44.000 đồng/cp.
Sau IPO, Nova Consumer có hai cổ đông lớn là tổ chức trong nước là CTCP Bảo Khang và CTCP Đầu tư A.N.O.V.A sở hữu lần lượt là 65,61% và 13,72% vốn.
Một tháng sau khi hoàn tất IPO, Foremost Worldwide Limited công bố mua vào 12,772 triệu cp của Nova Consumer, tương đương 10,66% vốn. Khả năng cao bên chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư ngoại này là những cá nhân trong nước tham gia IPO.
Nếu giả định rằng giá chuyển nhượng của thương vụ bằng với giá IPO 44.000 đồng/cp thì nhà đầu tư ngoại này đã lỗ hàng trăm tỷ đồng với lượng cổ phiếu vừa bán ra. Cụ thể, tổng số lỗ trong lô cổ phần bán ra là 154,7 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lỗ 61,6%.
Tuy nhiên, không ngoại trừ đây là khoản đầu tư vào cổ phần đại chúng với điều khoản riêng (Public Equities with Private Terms - PEPT) từng được VinaCapital nhắc tới.
Tháng 10/2023, VinaCapital thực hiện đánh giá lại, tăng 54,3 triệu USD giá trị khoản đầu tư vào PEPT và cổ phần tư nhân (PE) của quỹ VOF.
Khi thị trường bất động sản biến động mạnh cuối năm 2022, các nhà phát hành trái phiếu là những công ty địa ốc mất thanh khoản, khi đó VinaCapital đã yêu cầu Giám đốc Đầu tư của VOF đánh giá lại khoản đầu tư vào cổ phần đại chúng với điều khoản riêng như dự án Norfolk (Novaland), Nova Consumer (mã: NCG), Đất Xanh Services (DXS) và Hưng Thịnh Land.
Hệ quả là, giá trị các khoản đầu tư PEPT bị đánh giá giảm 49,8 triệu USD trong hai đợt liên tiếp vào cuối năm 2022 và cuối quý I/2023.
Với việc Foremost Worldwide Limited thực hiện bán thỏa thuận ở thời điểm này, khả năng đối tác tham gia mua, thực hiện nghĩa vụ đã được cam kết sau 18 tháng.
Trở lại với Nova Consumer, đơn vị thành viên “nhà Nova” đã bất thành trong kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM là giải pháp thay thế. Không thể lên sàn, Nova Consumer còn hủy kế hoạch tăng vốn của mình.
Nhà đầu tư “chen chân” tham gia IPO khi lượng đặt mua gấp rưỡi lượng chào bán như vừa nêu đang lỗ bởi giá cổ phiếu tụt dốc sau khi lên UPCoM.
Ngày 9/11, gần 120 triệu cổ phiếu NCG của Tập đoàn Nova Consumer giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 38.000 đồng/cp. Ngay sau khi giao dịch, thị giá NCG giảm sâu và thanh khoản ngày càng thu hẹp.
Đóng cửa phiên 3/1, giá cổ phiếu NCG ở 14.800 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh những phiên gần đây giảm còn vài chục nghìn đơn vị. Với giá này, nhà đầu tư tham gia mua IPO mất khoảng 2/3 số vốn bỏ ra.
Trên thực tế, không chỉ đợt IPO của Nova Consumer, nhiều thương vụ khác cũng khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng bởi tình trạng “nóng IPO, nguội chào sàn” như Tôn Đông Á, . Giá cổ phiếu giảm sâu ngay từ những ngày đầu tiên hoặc chỉ ít phiên sau đó, khiến IPO trở thành trái đắng dù nhà đầu tư mất nhiều tháng chờ đợi cổ phiếu lên sàn.