Để đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra, theo ông Lê Kim Phúc, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, năm 2024, Ban tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiếp tục thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp trong khu công nghiệp để kịp thời tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các tổ chức tư vấn xúc tiến đầu tư đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, chủ động trao đổi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự đột phá như: công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, công nghệ cao, tăng tỷ lệ lấp đầy trong khu công nghiệp, kiên quyết thu hồi các dự án không thực hiện theo đúng tiến độ và cam kết đầu tư.
Cùng với đó, Ban Quản lý và các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục nâng cao cải cách hành chính, quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI)...
Trong năm 2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã cấp mới 48 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trong đó, có 38 dự án FDI và 10 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 225,8 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong số các dự án FDI cấp mới, nổi bật là dự án PVC Huali Việt Nam tại Khu công nghiệp Điềm Thuy có tổng vốn đăng ký đầu tư 40 triệu USD; dự án Nhà máy KHVATEC Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình có tổng vốn đăng ký đầu tư 25 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Sông Công tại Khu công nghiệp Sông Công 1 với tổng vốn đầu tư 19,2 triệu USD…
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 121 dự án; trong đó, có 23 lượt điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư với số vốn đầu tư tăng thêm hơn 190 triệu USD và 997 tỷ đồng.
Như vậy, năm 2023, tổng thu hút vốn đăng ký đầu tư tăng thêm tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 417 triệu USD, vượt gần 40% kế hoạch đề ra, góp phần đưa Thái Nguyên tiếp tục thuộc Top các tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước...
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, quá trình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở Thái Nguyên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: các doanh nghiệp vi phạm các quy định về trật tự xây dựng, xây dựng trái phép; chưa hoàn thành việc thu hồi dự án đầu tư Khu công nghiệp Vinaxuki, Khu công nghiệp Trung Thành, Khu công nghiệp Điềm Thuỵ - Khu B; vẫn còn có khu công nghiệp chưa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định...