Thông tin này được CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà chia sẻ tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 16/12. Tại phiên họp, lãnh đạo hãng hàng không quốc gia tập trung trả lời các cổ đông về kế hoạch ngắt lỗ, lộ trình tái cơ cấu, cũng như nguy cơ cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết trên HoSE.
Ông Hà cho biết Vietnam Airlines đang xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 với các kịch bản xấu, trung bình và cao. Vietnam Airlines dự kiến đảm bảo nguồn lực đội tàu bay bằng phương án thuê khô (chỉ thuê tàu bay) và thuê ướt (thuê cả máy bay và phi hành đoàn) trên kịch bản cao để luôn sẵn sàng cho sự tăng trưởng của thị trường.
Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ thuê ướt 4 tàu bay Airbus A321 để phục vụ cho cao điểm Tết sắp tới. Công ty dự kiến lần lượt nhận 2 tàu Boeing Dreamliner 787-10 vào tháng 4 và tháng 6. Trong nửa cuối năm sau, hãng bổ sung thêm 3 tàu Airbus A320neo.
Dreamliner 787-10 là dòng tàu bay thân rộng hiện đại nhất hiện nay của Boeing, tải hành khách và hàng hóa nhiều hơn dòng 787-9 khoảng 15%. Hai chiếc Vietnam Airlines nhận nửa đầu năm sau nằm trong thỏa thuận từ trước dịch của hãng với nhà sản xuất Mỹ. Vietnam Airlines bắt đầu khai thác dòng máy bay này từ nửa cuối năm 2019 và hiện vận hành 4 chiếc cho các hành trình bay thẳng đi Mỹ, Australia, châu Âu. Trong đội bay quy mô gần 100 tàu, hãng còn có 11 tàu Dreamliner 787-9.
Vietnam Airlines phải bổ sung tàu bay trong bối cảnh từ tháng sau 10 tàu bay A321 sẽ phải đưa vào bảo dưỡng động cơ. Theo ông Hà, trước đây, việc bảo dưỡng động cơ chỉ mất khoảng 75-90 ngày thì nay cần tối thiểu 200 ngày do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cả năm 2023, Vietnam Airlines dự kiến vẫn lỗ hơn 6.000 tỷ đồng, dù doanh thu tăng hơn 20% so với năm 2022 lên khoảng 91.800 tỷ đồng - gần bằng mức đỉnh trước dịch. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa thể thoát lỗ do các phi phí đầu vào tăng cao, nhất là giá nhiên liệu, tỷ giá diễn biến bất lợi.
Cổ phiếu HVN đang đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết trên HoSE do 3 năm liền lỗ và âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán 2022 được phát hành mới đây. Về vấn đề này, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền nói rằng tình huống của tổng công ty rất đặc biệt bởi Vietnam Airlines đến trước dịch vẫn nằm trong số doanh nghiệp có vốn hóa lớn hàng đầu HoSE, cũng như sức khỏe tài chính lành mạnh.
"Nhưng đại dịch ập đến khiến nhiều hãng bay trên thế giới lao đao, không chỉ Vietnam Airlines. Tôi tin rằng các cơ quan quản lý sẽ xem xét những yếu tố ảnh hưởng xấu đến hãng là khách quan", ông Hiền cho biết và nói thêm mong cổ phiếu HVN có thể không bị hủy niêm yết.
Theo Kế toán trưởng Vietnam Airlines, công ty cần nhiều năm để xóa lỗ lũy kế. Tuy nhiên, hãng không cần thời gian quá dài để có lãi trở lại, cũng như thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Ông Hiền cho rằng việc quan trọng nhất với Vietnam Airlines là cần được thông qua đề án tái cơ cấu tổng thể. Trước mắt, ông mong việc thoát vốn tại công ty xăng dầu hàng không Skypec, cũng như việc phát hành thêm cổ phiếu sớm được thông qua để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Bên cạnh đó, hãng cũng có kế hoạch tiếp tục thoái bớt vốn tại các công ty con khác.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa thông tin đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines đã thẩm định qua nhiều vòng và hiện đã lên đến cấp cao nhất là Chính phủ. Trong đó, nổi bật là các giải pháp tự thân của hãng, sau đó mới đến các giải pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ với vai trò là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines.
Trong lúc chờ đề án được duyệt, theo ông Hòa, Vietnam Airlines cũng đã triển khai nhiều giải pháp tự thân để khắc phục khó khăn như cắt giảm, tối ưu hoá chi phí hai năm gần nhất được hàng nghìn tỷ đồng, hoàn thành thoái vốn giai đoạn một tại hãng hàng không K6 tại Campuchia, triển khai một phần việc bán thanh lý các tàu bay, mở loạt đường bay mới để tăng thêm 3 điểm % trên thị phần thị trường nội địa.
Chủ tịch Vietnam Airlines nói rằng năm 2024, hãng sẽ tiếp tục bán thêm một số tàu bay cũ, đồng thời cũng triển khai việc bán và thuê lại (Sales & Leaseback) động cơ. Hãng cũng dự kiến mở rộng một số điểm đến quốc tế tại châu Âu, châu Mỹ, đẩy mạnh khai thác thị trường Trung Quốc, Ấn Độ.
Trên cơ sở này, ông Hòa khẳng định Vietnam Airlines đặt mục tiêu rất tham vọng trong năm 2024 sẽ cân đối được thu chi. "3 năm qua, hãng đã rất cố gắng nhưng chưa thể thực hiện được việc này bởi ảnh hưởng từ đại dịch quá nặng nề", ông Hòa chia sẻ.