Thời sự

ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP của các nền kinh tế nào trong ASEAN?

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 12/2023, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2023 và 2024 của một số nền kinh tế ASEAN.

Cụ thể, dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay giảm xuống mức 5,2% so với dự báo hồi tháng 9 là 5,8%. 

Nguyên nhân là nhu cầu bên ngoài yếu hơn dự kiến cản trở ngành công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng cũng như việc làm, tiêu dùng phục hồi chậm. ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn vào năm sau, đạt 6%. 

Lạm phát chung của Việt Nam tăng lên tới 3,2%, trong khi lạm phát cơ bản ở mức 4,3% trong 11 tháng đầu năm do phục hồi trong thương mại, tăng giá nhiên liệu nhập khẩu và giá điện. Nhưng mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% – 4,5%.

Chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, được hỗ trợ bởi kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4% cho năm 2024.  

 

Dự báo tăng trưởng năm 2023 của Malaysia cũng được điều chỉnh hạ, xuống 4,2% từ dự báo 4,5% hồi tháng 9. Tương tự, ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan từ 3,5% xuống 2,5%. 

Tăng trưởng năm 2024 của Malaysia và Thái Lan được dự báo đạt lần lượt 4,6% và 3,3%, đều giảm so với dự báo trước đó. 

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Philippines, Indonesia và Singapore, lần lượt đạt 5,7%; 5% và 1% trong năm 2023. Năm 2024 dự báo đạt lần lượt đạt 6,5%; 5% và 2,5%.

 

ADB cũng cho rằng lạm phát nhìn chung đã chậm lại ở Đông Nam Á do suy yếu nhu cầu toàn cầu và giá dầu, giá hàng hóa giảm. Lạm phát trong khu vực được dự báo ở mức 4,2%. Một số nền kinh tế sẽ chịu mức lạm phát thấp gồm Campuchia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, trong khi đó tăng ở Lào và Myanmar.

Với  Lào và Myanmar, ADB dự báo đồng nội tệ mất giá mạnh và sự gián đoạn trong sản xuất lương thực liên quan đến thời tiết dẫn đến lạm phát có thể tăng lên hai chữ số trong năm 2023.

Dự báo lạm phát trong khu vực năm 2024 điều chỉnh tăng lên 3,5% từ dự báo 3,3% trước đó, do rủi ro từ khí hậu.

 

 

Nhóm chuyên gia cũng đề cập đến lạm phát lương thực 10 tháng đầu năm 2023 vẫn tiếp tục là thách thức đối với một số nền kinh tế như Lào (42,3%), Timor-Leste (9,8%), Philippines (8,6%), Singapore (6,2%), và Việt Nam (5,5%). Tất cả các nền kinh tế này đang phải đối mặt với mức lạm phát lương thực lên hai con số do giá gạo quốc tế tăng.   

Indonesia và Philippines vừa tăng lãi suất điều hành nhằm kiềm chế lạm phát. Riêng Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành ngay từ tháng 3 đầu năm và đến nay đã có 4 lần hạ lãi suất, tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm