Ngày 2/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách áp thuế đối ứng với 60 quốc gia, trong đó mức thuế dành cho hàng hóa từ Việt Nam lên tới 46%, có hiệu lực từ ngày 9/4. Thông tin này lập tức gây ra những biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, mới đây Tổng thống Trump đã thông báo tạm hoãn thi hành thuế quan trong vòng 90 ngày đối với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, nhằm tạo dư địa cho các cuộc đàm phán. Dù vậy, thị trường vẫn thận trọng trước khả năng các biện pháp thuế quan này có thể được thực thi sau thời gian hoãn.
Trong kịch bản thuế đối ứng 46% được áp dụng, Chứng khoán Vietcap dự báo đồng VND có thể chịu áp lực mất giá khoảng 5%, tương đương các giai đoạn biến động như năm 2022 và 2024.
Theo Vietcap, áp lực tỷ giá chủ yếu đến từ khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì hoặc hạ mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.
Theo số liệu từ NHNN, tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Đáng chú ý, đồng USD đã có xu hướng giảm ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, phản ánh tâm lý tiêu cực của thị trường trước rủi ro tăng trưởng toàn cầu.
Diễn biến này cũng cho thấy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải hạ lãi suất mạnh tay trong năm 2025, với xác suất Fed hạ lãi suất 5 lần đã tăng lên 37,9% vào ngày 3/4, so với mức 18% trước thời điểm công bố chính sách thuế.Việc Fed có khả năng hạ lãi suất sẽ phần nào giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.

(Nguồn: Vietcap)
Ở góc độ thương mại, cấu trúc nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu phục vụ sản xuất, nên khi xuất khẩu giảm, nhập khẩu cũng giảm tương ứng.
Dữ liệu 2016–2024 cho thấy xuất nhập khẩu có mức độ tương quan cao, gần 90%. Dựa trên giả định xuất khẩu năm 2025 giảm 4,5%, nhập khẩu giảm 3,2%, Việt Nam nhiều khả năng vẫn duy trì thặng dư thương mại khoảng 18 tỷ USD, qua đó hỗ trợ ổn định cán cân thanh toán và giảm áp lực lên tỷ giá.
Trên thị trường tiền tệ, lãi suất liên ngân hàng qua đêm trong tháng 3 tiếp tục có xu hướng giảm, có thời điểm giảm 0,8–0,85 điểm % so với cuối tháng 2. Trung bình cả tháng, lãi suất qua đêm dao động quanh mức 4,1%, trước khi phục hồi nhẹ lên 4,6% vào ngày cuối cùng của tháng.
Nhóm phân tích Vietcap nhận định, lãi suất liên ngân hàng có khả năng sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4, trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy NHNN tìm phương án hạ thêm lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt mức 6,93% — mức tăng trưởng quý I cao nhất trong vòng 5 năm qua, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu chính thức là 7,7%.