Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian mang thai, thường phát triển từ tuần thai thứ 24-28. Bác sĩ Dương Việt Bắc, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, giải thích nhau thai tiết ra các hormone estrogen, cortisol và lactogen làm giảm khả năng sử dụng insulin của cơ thể dẫn đến tình trạng kháng insulin. Nếu tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để bù đắp, lượng đường trong máu tăng cao, gây tiểu đường thai kỳ.
Bệnh ít khi bộc lộ triệu chứng rõ rệt, thường chỉ được phát hiện trong những lần thai phụ khám thai định kỳ. Nếu có xuất hiện triệu chứng tiểu đường, thai phụ có những biểu hiện dưới đây.
Luôn cảm thấy khát nước: Nồng độ đường trong máu tăng cao khiến nước từ trong tế bào phân tách ra ngoài để làm loãng máu, giảm lượng glucose dư thừa. Tiết nước kéo dài làm cho tế bào bị mất nước, từ đó thai phụ luôn có cảm giác muốn uống nhiều nước hơn để bù vào lượng nước mất đi.
Đi tiểu thường xuyên: Thai phụ mắc bệnh tiểu đường buồn tiểu thường xuyên, nhất là về đêm, lượng nước tiểu cũng nhiều hơn bình thường. Do lượng đường trong máu tăng khiến cơ thể phải tăng cường đào thải qua đường tiểu. Nếu chú ý quan sát có thể thấy kiến bu nước tiểu.
Mệt mỏi, thiếu năng lượng: Tình trạng kháng insulin khiến tế bào cơ không nhận đủ lượng đường cần thiết nhưng phải đồng thời tách nước ra để hòa tan đường trong máu, khiến mẹ bầu dễ mệt mỏi, thiếu năng lượng, kiệt sức.
Thèm ăn liên tục: Do cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả khiến glucose không thể được chuyển hóa thành năng lượng khiến mẹ bầu đói liên tục.
Giảm thị lực: Biểu hiện này thường diễn ra tạm thời trong thời gian ngắn, không xảy ra thường xuyên. Lượng đường máu tăng bất thường khiến thủy tinh thể bị sưng gây hạn chế tầm nhìn.
Tăng cân nhanh không kiểm soát: Do tình trạng kháng insulin nên cơ thể phải sản xuất insulin nhiều hơn. Lượng insulin dư thừa thúc đẩy cơ thể lưu trữ dưới dạng mỡ.
Dễ bị nhiễm trùng, chậm lành vết thương: Lượng đường trong máu cao làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể thai phụ dễ bị nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu, nấm âm đạo. Các vết cắt, trầy xước trên da chậm lành hơn so với bình thường.

Bác sĩ Dương Việt Bắc khám cho một thai phụ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Bắc, tiểu đường thai kỳ nếu không được phát hiện và kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Thai nhi có nguy cơ dị tật bẩm sinh hoặc tăng trưởng quá mức dẫn đến thai to, gây khó khăn trong quá trình sinh nở. Trẻ có khả năng cao bị hạ đường huyết sau sinh do cơ thể sản xuất quá nhiều insulin khi còn trong bụng mẹ. Bé dễ vàng da, suy hô hấp, béo phì, tiểu đường type 2 trong tương lai.
Người mẹ dễ tăng huyết áp và tiền sản giật. Nếu thai tăng trưởng quá lớn tăng nguy cơ sinh mổ. Đôi khi người mẹ có thể sinh non, sảy thai tự nhiên, lưu thai. Trong tương lai thai phụ có thể gặp lại tình trạng này ở lần mang thai tiếp theo hoặc có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 khi về già.
Bác sĩ Bắc khuyến cáo thai phụ thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose từ tuần 24 đến 28 để phát hiện bệnh sớm, từ đó bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nhóm có nhiều yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người bị tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai, tiền sử sinh con trên 4 kg hoặc mắc bệnh tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước, người mẹ mang thai trên 35 tuổi, mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Thai phụ cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống lành mạnh theo khuyến nghị của bác sĩ dinh dưỡng. Nên chia nhỏ bữa ăn để duy trì đường huyết ổn định, hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, đường tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn. Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, ít béo và calo như rau xanh, trái cây ít đường, ngũ cốc nguyên hạt, protein từ cá, thịt nạc, đậu phụ.
Thai phụ nên ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng. Vận động thể dục thể thao khoảng 15-30 phút mỗi ngày như đi bộ, tập yoga, bơi... giúp duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân hơn mức khuyến nghị.
Nếu lượng đường trong máu vẫn cao dù đã thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, thai phụ cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu thai phát triển quá lớn, bác sĩ có thể tư vấn cho thai phụ chấm dứt thai kỳ sớm hơn so với ngày dự sinh (khi thai đủ 37 tuần trở lên).
Sau khi mẹ và bé vượt cạn an toàn, bác sĩ kiểm tra mức đường máu. Hầu hết lượng đường huyết giảm xuống sau khi phụ nữ sinh con và lượng hormone trở lại bình thường. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ mắc bệnh sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường tháo đường type 2 trong tương lai. Do đó, phụ nữ vẫn cần kiểm tra lại đường huyết sau 4-12 tuần sau sinh và định kỳ mỗi năm.
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai, sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |