Vốn hóa VGI chạm 9 tỷ USD, cao thứ ba sàn chứng khoán
Cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global Investment - Mã: VGI) duy trì đà tăng trong những tháng đầu năm 2024. VGI kết phiên sáng 15/5 tại 74.600 đồng/cp, tăng 4% so với tham chiếu. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu họ Viettel đã tăng giá 189%. Mức tăng còn được nới rộng sang phiên chiều khi cổ phiếu tiến lên 77.200 đồng/cp (tính đến 14h).
Xu hướng tích cực đẩy vốn hóa của Viettel Global tăng vọt. Với 3,04 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường củaViettel Global ghi nhận đến cuối phiên sáng 15/5 đang đạt trên 227.000 tỷ đồng (khoảng 9,08 tỷ USD, tạm tính 1 USD đổi 25.000 VND).
Mức vốn hóa này đang xếp thứ ba trên sàn chứng khoán, chỉ sau Vietcombank (VCB) (trên 506.000 tỷ đồng) và BIDV (BID) (gần 276.000 tỷ đồng), đồng thời cao hơn ACV ở vị trí thứ 4 (gần 213.000 tỷ đồng), nhóm HPG, VIC, VHM, GAS, CTG (172.000 - 176.000 tỷ đồng), cũng như nhiều ngân hàng lớn khác (tính đến hết phiên sáng 15/5).
Mức giá hiện tại là cao kỷ lục với riêng VGI kể từ khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Về mặt thanh khoản, khối lượng giao dịch bình quân phiên từ đầu năm của VGI đạt khoảng 1,5 triệu cp, cao nhất đạt 3,9 triệu cp (phiên 27/3) và thấp nhất gần 225.000 cp (phiên 18/1).
Thanh khoản đạt hàng triệu cổ phiếu nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với số lượng lưu hành hơn 3 tỷ đơn vị (trung bình chưa đến 0,05%). Nguyên do là cổ đông lớn duy nhất – Viettel sở hữu đến trên 99% vốn, hơn 9.000 cổ đông còn lại (tính đến 27/3) chỉ nắm giữ chưa đầy 1% vốn.
Kết quả kinh doanh biến động qua từng năm
Đà tăng giá của cổ phiếu VGI diễn ra trong bối cảnh công ty có kết quả kinh doanh diễn biến thất thường. Viettel Global ghi nhận gần 623 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty trong năm 2023, giảm 25% so với 2022. Trong đó, công ty báo lỗ hơn 1.400 tỷ đồng vào quý II/2023.
Đến quý I/2024, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại khả quan với 1.296 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.663 tỷ đồng, đã vượt cả năm 2022 (1.647 tỷ đồng). Viettel Global cho biết hầu hết các công ty thị trường (bao gồm công ty và công ty liên kết) đều tăng trưởng. Bên cạnh đó, dòng tiền thu hồi từ thị trường giúp cơ cấu lại tiền gửi và tiền vay tạo ra khoản lợi nhuận tài chính, giúp làm tăng lợi nhuận.
Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/3/2024 vẫn đang là còn số âm gần 2.100 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ các khoản lỗ các năm 2016 - 2019. Tính chung 4 năm này, khoản lỗ sau thuế hợp nhất trên 5.500 tỷ đồng.
Giai đoạn trước đó 2012 - 2015, kết quả kinh doanh của đơn vị khả quan hơn, khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế dao động 500 - 2.318 tỷ đồng.
Ngoài doanh thu, lợi nhuận gộp, yếu tố ảnh hưởng đáng kể nhất đối với doanh nghiệp này là khoản doanh thu/chi phí tài chính và phần lãi/lỗ từ công ty liên doanh, liên kết. Như năm 2016, chi phí tài chính hơn 3.600 tỷ đồng khiến công ty lỗ sau thuế gần 3.500 tỷ đồng. Hay năm 2018, Viettel Global báo lỗ sau thuế hơn 1.070 tỷ đồng, ảnh hưởng khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết hơn 1.400 tỷ đồng.
Tại báo cáo thường niên 2023, ông Đào Xuân Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Viettel Global chia sẻ 2023 là năm thứ hai liên tiếp, dòng tiền về của các thị trường của công ty đạt xấp xỉ 400 triệu USD, tương đương 10.000 tỷ đồng. Năm 2023, thêm một thị trường vươn lên vị trí số 1 về thị phần và hoàn vốn dự án, 5 thị trường hoàn 100% vốn dự án.
Theo vị lãnh đạo, trong thời gian qua, từ vị thế một doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến nay nhiều quốc gia trong khu vực châu Mỹ Latinh, Châu Phi bày tỏ mong muốn mời Viettel Global khảo sát đầu tư.