Năm 2007, một nhóm các nhà tâm lý học Mỹ đã tiến hành một thử nghiệm về hạnh phúc. Họ yêu cầu các sinh viên đại học tự đánh giá cảm xúc của mình theo thang điểm từ "không vui" đến "rất hạnh phúc", sau đó so sánh kết quả học tập và đời sống xã hội (số bạn bè, thời gian gặp gỡ, giao lưu bạn bè) của nhóm này.
Kết quả cho thấy, những người nói mình "rất hạnh phúc" có đời sống xã hội phong phú, trong khi kết quả học tập ở trường lại kém hơn so với những người tự đánh giá mình "không hạnh phúc" hoặc "bình thường".
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra tập dữ liệu từ một nghiên cứu khác để đánh giá mức độ "vui vẻ" của sinh viên năm nhất đại học, sau đó so sánh mức thu nhập của nhóm sinh viên trong hai thập kỷ sau đó. Họ phát hiện ra, những người nói mình vui vẻ nhất vào năm 1976 không phải là những người có thu nhập cao nhất vào năm 1995.
Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận, cũng giống như mọi thứ trong đời sống, hạnh phúc cũng có sự đánh đổi của nó. Tức là, nếu bạn theo đuổi hạnh phúc và loại trừ các mục tiêu khác, trong tương lai, điều đó có thể mang lại cho bạn một cuộc sống bạn không trông đợi, một cuộc sống bạn không phát huy hết tiềm năng của mình.
Nghiên cứu trên không phủ nhận hạnh phúc là tốt, nó chỉ cho thấy rằng một chút "kém hạnh phúc" cũng có lợi. Nói cách khác, khi buồn phiền về điều gì đó, chúng ta có thể sẽ vật lộn tìm cách thay đổi, sửa chữa tình thế cho tốt hơn. Các nhà tâm lý học gọi đây là "giả thuyết suy ngẫm phân tích".
Đương nhiên, sự buồn chán, kém hạnh phúc cũng đem đến nhiều điều tiêu cực. Sự chán ghét những nỗi buồn, sự bất hạnh... có thể khiến chúng ta từ bỏ một cuộc sống có ý nghĩa. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã khảo sát sinh viên đại học năm 2018 và phát hiện ra, nguồn gốc thực sự của nỗi sợ hãi, trong nhiều trường hợp, tập trung vào việc người đó sẽ cảm thấy thế nào khi thất bại, chứ không phải về hậu quả của chính thất bại.
Trên thực tế, đem những điều tốt đẹp vào cuộc sống của chính mình, kể cả trong công việc, tình yêu hay bất cứ điều gì khác, thường bao gồm rủi ro. Rủi ro không nhất thiết làm cho chúng ta hạnh phúc, thậm chí có thể mang lại thất vọng. Tuy nhiên, nó cũng có thể mang lại những phần thưởng lớn hơn một cuộc sống an toàn, buồn tẻ, như nghiên cứu về hạnh phúc, thành tích học tập và thu nhập kể trên đã cho thấy.
Những người có thành tích cao nhất ở công sở, trường học đã phải đưa ra những quyết định đôi khi có thể khiến bản thân họ chán nản, khó chịu, sợ hãi, nhưng bản thân họ đã vượt qua nó.
Paul Bloom, một nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn Những niềm vui của đau khổ, đã viết: "Chính sự đau khổ mà chúng tôi chọn đã mang lại cơ hội tốt nhất cho niềm vui, ý nghĩa và sự phát triển bản thân".
Hạnh phúc tự nó sẽ mất đi ý nghĩa nếu nó không đối lập với những nỗi buồn, những vất vả mỗi chúng ta phải trải qua.
Carl Jung, nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sỹ từng nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1960: "Ngay cả một cuộc sống hạnh phúc cũng không thể thiếu bóng tối". Do đó, trong cuộc sống, đôi khi ta không chỉ trân trọng hạnh phúc, mà còn biết ơn cả những giá trị khiến chúng ta bị thách thức, bị khổ sở.
Dù chọn lấy đau khổ không bao giờ là mục tiêu sống của bất kỳ ai, mỗi chúng ta có thể phấn đấu cho một cuộc sống phong phú, trong đó chúng ta không chỉ tìm kiếm ánh nắng mặt trời mà còn cảm nhận trọn vẹn những cơn mưa rơi xuống.
(Theo Atlantic)