Trước kỳ thi vào lớp 10, Quang Trường được bố đưa đến cổng Văn Miếu từ sớm. Trên tay hai bố con lỉnh kỉnh hoa quả, vàng mã. Giống như nhiều bạn cùng lớp, Trường cũng mang phiếu báo thi đến Văn Miếu thắp hương, cầu may mắn. Cậu bé 15 tuổi còn được bố giúi vào tay 10 chiếc bút bi dự định làm bài thi, dâng lên điện thờ.
Đi cùng Trường hôm đó có cậu bạn thân Việt Hùng. Vì bố mẹ không thể cùng tới Văn Miếu nên Hùng được chuẩn bị cho một bài văn khấn trên tờ A4 để đọc trước bàn thờ. Văn khấn của Hùng thể hiện tên, tuổi, địa chỉ, trường học, nguyện vọng, phòng thi và số báo danh. Theo lời dặn của bố mẹ, lễ xong, Hùng còn phải xin chữ "Đăng khoa", cầu mong đỗ đạt.
"Chẳng thể yên tâm nếu không đưa bọn trẻ đến đây cầu may trước kỳ thi quan trọng", anh Quốc Hưng, bố Trường, nói, "Có người bảo tôi mê tín nhưng ai tin hay không thì tùy, miễn tôi và gia đình thấy nhẹ nhõm". Người đàn ông 42 tuổi chia sẻ thêm, bị nhiều người trách tập cho con thói quen cúng bái, dâng lễ cầu may.
Từ nhiều năm nay, cứ gần đến các kỳ thi quan trọng, học sinh, sinh viên và gia đình lại đổ về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để "lễ cầu may". Việc này cũng thường gây ra tranh luận bởi có người coi đó là hành vi mê tín, nhiều người lại khẳng định là "liệu pháp tâm lý" bình thường.
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc điều hành trung tâm tâm lý Dr.Psy, hiện tượng nhiều người đổ xô đi cầu may trước khi làm việc quan trọng là dễ hiểu. "Xét ở góc độ tâm lý, việc cầu cúng góp phần trấn an tinh thần trước khi thực hiện việc lớn như đi thi, động thổ xây nhà...", ông Hoàng nói.
Ông cũng cho rằng, người Việt từ nhiều đời nay đều đặt niềm tin vào tín ngưỡng cũng như tâm linh bởi quan niệm "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Bên cạnh đó, người Việt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, với quan niệm "tổ tiên sẽ về phù hộ con cháu", nên việc cúng bái trươc khi làm việc quan trọng là thể hiện mong muốn được tổ tiên trợ giúp.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đồng tình với nhận định trên. Theo ông, việc cầu may, lễ vái trước khi làm việc quan trọng là những hoạt động thuộc phạm trù đời sống tâm lý của con người.
Theo đó, nhu cầu của con người là vô tận, phát triển theo quy luật của "lòng tham" gồm của cải, danh vọng, địa vị, quyền lực... Để thỏa mãn nhu cầu, nhiều người sẵn sàng làm mọi việc có thể, trong đó có việc cầu cúng, lễ vái. Trong trường hợp này, rất dễ phát sinh các hoạt động mù quáng, dị đoan.
Một lý do khác khiến nhiều người cầu cúng, lễ bái trước khi làm việc quan trọng là vì đức tin, vì lòng biết ơn hoặc tuân thủ, duy trì và giáo dục các chuẩn mực tốt đẹp trong đời sống gia đình, cộng đồng, xã hội. Ở một khía cạnh nào đó, hoạt động này cũng là nhu cầu của con người nhưng không đồng nghĩa với lòng tham.
Cũng theo ông Hải, con người thường hướng đến sự hoàn hảo. Khi chưa hiểu biết đầy đủ, không lý giải được rõ ràng, hợp lý một hiện tượng, sự việc nào đó, người ta thường có tâm lý lo sợ và tin "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". "Đây là yếu tố khiến nhiều người bị ảnh hưởng tâm lý đám đông, thấy người ta làm thế nào thì mình làm như vậy, không theo thì không yên tâm", ông Hải nói.
Người mẹ hai con Phương Nguyên, sống tại Hà Nội từng bức xúc bởi tâm lý đám đông như vậy.
Trước ngày con gái thi tốt nghiệp lớp 12, mẹ chồng chị bắt xe từ quê lên, giúi vào tay cháu chiếc "bùa may mắn" xin từ một thầy cúng trong làng. "Ở quê đứa nào cuối cấp cũng cố xin một cái. Người ta có chẳng nhẽ cháu bà không có", bà nội nói. Người bà còn yêu cầu cháu gái đưa ra mấy chùa gần nhà, xì xụp khấn vái, cầu thi cử đỗ đạt mất cả buổi.
Biết chuyện hai bà cháu dãi nắng nguyên ngày, Nguyên cảm thấy khó chịu vì cho rằng đó là mê tín dị đoan. "Ai cũng cầu xin đỗ đạt thì chẳng ai trượt. Đỗ hay không đâu phải do may mắn mà do thực lực", chị khẳng định với mẹ chồng.
Đáp lại, người bà giải thích "Nhà nào có con chuẩn bị thi đại học mà chẳng làm thế". Tuy vậy, Nguyên thấy cách nói này chưa hợp lý. "Thời đại nào rồi mà còn nhồi nhét các cháu tư tưởng này", chị phản kháng.
Theo chuyên gia tâm lý Ngọc Hoàng, bản chất của tín ngưỡng thờ cúng, cầu may không phải là xấu bởi nó được xây dựng dựa trên truyền thống dân tộc và cũng thể hiện đặc điểm văn hóa tinh thần của người Việt.
Một trong những nguyên nhân tạo ra các phong tục thờ cúng là để đáp ứng nhu cầu tâm lý của con người khi gửi gắm niềm tin vào thế lực siêu nhiên, vô hình. Điều đó cũng cho thấy bản chất của các phong tục là tính hướng thiện, tinh thần lạc quan và mong đợi những điều tốt đẹp.
"Tuy nhiên, khi tín ngưỡng bị biến tướng, sự gửi gắm niềm tin trở nên sai lệch, mới trở nên tiêu cực", ông Hoàng khẳng định. Chẳng hạn, ỷ vào việc cúng bái mà không cố gắng, chểnh mảng vì tin rằng "thần phật làm cho hết" lại trở thành mê tín. Do đó, cầu may phần nào hữu ích khi nó giúp người cầu cúng có tâm lý an tâm hơn trước khi làm việc quan trọng. Nhưng nó cũng có thể trở nên sai lệch nếu quá tin vào tâm linh, không chú trọng nỗ lực của bản thân.
"Không có gì là đúng hay sai cho việc cầu mong và gửi gắm niềm tin vào thần phật, chỉ là do cách thức người làm quyết định đó có phải là mê tín hay không", ông Hoàng nói.
Cùng quan điểm, ông Phạm Đình Hải cho rằng, bí quyết của hoạt động lễ bái, cầu cúng được đúc kết như một quy luật trong thành ngữ "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", có nghĩa là tài năng, đức độ, tâm ý của người cầu cúng phải hướng thiện để tạo thành một dạng năng lượng tương ứng với năng lượng của đối tượng cầu cúng (thần phật).
"Từ hơn 2.500 năm trước, kinh sách đạo Phật đã ghi chép nhiều bài học kinh nghiệm về những sai lầm, mê tín dị đoan trong hoạt động cầu cúng, lễ bái. Những nơi đông đúc, xô bồ, hỗn tạp chắc chắn không phải là nơi lý tưởng để thực hiện những nghi lễ này", ông Hải khẳng định.