Tính đến hết phiên 5/7, VN-Index đã giảm 21,2% so với mức tham chiếu của ngày đầu năm 2022. Chỉ số blue chip VN30-Index có phần khả quan hơn khi chỉ mất hơn 19%. UPCoM-Index sụt 22,6% trong khi HNX-Index cắm đầu lao dốc 41,4% chủ yếu do ảnh hưởng tiêu cực của các mã THD, CEO và IPA.
Riêng sàn HOSE ghi nhận 327 mã giảm giá trên tổng số 395 cổ phiếu niêm yết có giao dịch. Trong số này có 216 mã giảm sâu hơn mức 21% của chỉ số tham chiếu VN-Index.
ROS là mã giảm sâu nhất HOSE. Cổ phiếu của Xây dựng FLC Faros đi lên trong 8/10 phiên gần đây nhất, bao gồm 5 phiên kịch trần liên tiếp. Mặc dù vậy, giá kết phiên 5/7 của ROS vẫn thấp hơn tới 76% so với mức đầu năm.
Liên quan đến ROS, cổ phiếu Tập đoàn FLC đã tăng 11 phiên liên tiếp, bao gồm 7 phiên kịch biên độ. Tuy nhiên khi so với đầu năm 2022, FLC cũng đã mất tới 64% giá trị. Tương tự, cổ phiếu HAI của Nông dược HAI diễn biến khả quan trong những phiên gần đây nhưng giảm 68% trong hơn 6 tháng qua, vốn hóa hiện còn 500 tỷ đồng.
Cả FLC, ROS và HAI đều đang trong diện hạn chế giao dịch, chỉ được mua bán vào buổi chiều do doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính và báo thường niên 2021. Cả Tập đoàn FLC, Xây dựng FLC Faros và Nông dược HAI đều chưa đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022.
Ngày 2/7 vừa qua, Tập đoàn FLC tổ chức thành công đại hội cổ đông bất thường để bầu bổ sung nhân sự và chọn ra Chủ tịch HĐQT mới. Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư, Phó Tổng Giám đốc Lã Quý Hiển cho biết FLC đang làm việc với một số đơn vị kiểm toán, dự kiến sẽ bắt đầu quá trình kiểm toán báo cáo tài chính trong tháng 8.
Việc hoàn thành và công bố báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán là điều kiện tiên quyết để cổ phiếu FLC tránh bị hủy niêm yết và được giao dịch bình thường trở lại ở HOSE.
Sau khi có báo cáo kiểm toán, FLC sẽ có thể hoàn thành báo cáo thường niên 2021 và tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022.
Bộ đôi cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy cùng góp mặt trong top giảm sâu kể từ đầu năm khi đều sụt tương ứng hơn 64% và 66%.
Ngày 4/7 vừa qua, CII đã đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu NBB theo phương thức thỏa thuận từ ngày 7/7 đến 5/8. Sau giao dịch, CII sẽ còn lại 37,58 triệu cổ phiếu NBB, tương đương tỷ lệ sở hữu 37,52%.
Trước đó, trong thời gian từ 6/6 đến 4/7, CII đã đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu NBB nhưng thực tế chỉ bán 1,5 triệu đơn vị theo phương thức thỏa thuận. Lý do không bán hết số đăng ký là “chưa đạt được giá bán kỳ vọng”.
Kết phiên 5/7, giá CII dừng ở 16.600 đồng/cp, còn giá NBB đang ở 15.150 đồng/cp. Ông Lê Quốc Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CII, đồng thời là Phó Chủ tịch NBB.
Cùng trong ngành bất động sản, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng mất tới 64% trong hơn 6 tháng qua. So với mức đỉnh lịch sử xấp xỉ 120.000 đồng/cp thiết lập vào tháng 1 năm nay, DIG đã sa sút hơn 70%.
Trong top giảm sâu ở HOSE còn có ba mã cổ phiếu trong ngành chứng khoán là SSI, VIX và CTS.
Theo số liệu mới được Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) công bố, Chứng khoán SSI chiếm 14,7% thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm tại HOSE trong quý II.
Biểu đồ bên dưới cho thấy VPS đang dẫn đầu thị phần. Lũy kế 6 tháng đầu năm, thị phần của SSI là 9,81% còn của VPS là 17,59%.
Về phần VIX, Tổng Giám đốc Tập đoàn Gelex Nguyễn Văn Tuấn ngày 4/7 đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu VIX theo phương thức thỏa thuận. Dự kiến sau giao dịch tỷ lệ sở hữu tại VIX của cá nhân ông Tuấn sẽ tăng lên thành 15,02%. Tính cả những cổ đông liên quan tới ông Tuấn, tỷ lệ sở hữu sẽ vượt mốc 25%.
Hai tuần trước, Chứng khoán VIX đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu GEX, mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn Gelex từ 0% lên 1,76%.