Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Vũ Thành Tự Anh - Trường chính sách công và quản lý Fulbright - nói:
Cần những giải pháp đột phá và hướng đi mới để phát triển vùng đất này, tạo thêm việc làm mới giữ chân người lao động ở lại.
Cơ hội việc làm còn hạn chế
* Các báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL nhiều lần cảnh báo về "vòng xoáy đi xuống", trong đó báo động tình trạng ly hương đến TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hiện tình hình không thay đổi?
- Vòng xoáy này không phải là vấn đề mới mà lặp đi lặp lại ở ĐBSCL.
Trong giai đoạn dịch COVID-19, lần đầu tiên có làn sóng di cư ngược từ TP.HCM, Đông Nam Bộ về lại ĐBSCL. Nhưng ngay khi dịch COVID-19 tạm yên thì làn sóng di cư về TP.HCM, Đông Nam Bộ lại tiếp diễn. Điều đó rõ ràng cho thấy khả năng dung dưỡng, tạo công ăn việc làm cho người dân ở ĐBSCL bị hạn chế.
Còn cụ thể vì sao vấn đề ly hương bây giờ vẫn như thế. Rõ ràng cơ hội việc làm, đặc biệt là việc làm cần kỹ năng, có mức thu nhập cao ở ĐBSCL quá thiếu. Như lĩnh vực dịch vụ cao cấp trong các ngành như ngân hàng, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng, truyền thông… ở ĐBSCL rất nhỏ.
Vì vậy, ngay cả khi họ yêu mảnh đất quê hương đến mấy, nhưng mảnh đất đó không tạo nền tảng và tiền đề cho họ phát triển thì họ cũng phải ra đi. Đây là quy luật tất yếu, rất khó để có thể đảo ngược.
* Trong đại dịch COVID-19 có hàng trăm nghìn người đã về lại ĐBSCL, nhưng các địa phương đã không tận dụng cơ hội giữ họ ở lại?
- Vì ở đây thiếu cơ hội việc làm. Thứ nhất, nền kinh tế ĐBSCL vẫn nặng về nông nghiệp khó thu hút lao động trẻ. Thứ hai, đầu tư của vùng, cả đầu tư trong nước và FDI đều rất thấp.
Đầu tư trong nước bao gồm đầu tư của nhà nước và đầu tư của tư nhân trong nước. Đầu tư của nhà nước liên tục giảm về mặt tỉ trọng (dù vốn đầu tư thực hiện có tăng), trước đây khoảng 20%, nay chỉ còn khoảng 15% trong tổng vốn đầu tư của cả nước. Đối với khu vực tư nhân, tỉ lệ doanh nghiệp/1.000 dân ở ĐBSCL thuộc nhóm thấp nhất nước, về quy mô cũng nhỏ nhất cả nước.
Trong hai năm 2020-2021, FDI của ĐBSCL có sự đột biến nhờ một số dự án điện gió ngoài khơi, nhưng xu thế này giờ đây đã chựng lại rồi, và FDI của vùng lại quay trở về quỹ đạo trước đây. Như vậy, cả ba khoản đầu tư chính của vùng đều hạn hẹp mà không có đầu tư thì làm sao có kinh tế mạnh, làm sao tạo việc làm tốt, làm sao giữ chân được lao động.
* Vậy ĐBSCL cần làm gì để giữ chân lao động, thưa ông?
- Theo tôi, các tỉnh trong vùng ĐBSCL có thể làm được ít nhất bốn việc. Thứ nhất là các tỉnh ĐBSCL phải tự vận động để xây dựng cho mình mô hình kinh tế phù hợp với thế mạnh và đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của người dân của vùng.
Thứ hai là phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, đây là bài toán căn cơ của ĐBSCL. Hiện nay, môi trường kinh doanh của ĐBSCL đang đi xuống. Trước kia đứng ở nhóm đầu, nay đã rơi xuống dưới trung bình của cả nước.
Thứ ba, ĐBSCL cần tận dụng cơ hội của các xu hướng mới về công nghệ và môi trường. Để tận dụng cơ hội này, cần phải xây dựng các mô hình kinh doanh mới và đây là những lĩnh vực mà những người trẻ, những người tài năng ở ĐBSCL có thể về lại quê hương mình để đóng góp trực tiếp.
Thứ tư, với nguồn lực hữu hạn, các tỉnh ĐBSCL phải liên kết, thậm chí đoàn kết với nhau thì mới phát triển được. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay là các thỏa thuận hợp tác, liên kết vùng tồn tại chủ yếu trên giấy, còn các địa phương vẫn mạnh ai nấy làm.
Thu hút đầu tư kiểu "quăng lưới" không hiệu quả
* Nhiều tỉnh gần đây rầm rộ tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư gắn với công bố quy hoạch tỉnh, nhưng hiếm có dự án nào đi vào thực tế?
- Có ba nguyên nhân lớn. Đầu tiên là bản thân nhiều địa phương đi xúc tiến đầu tư nhưng không thực sự hiểu xúc tiến đầu tư là gì và thiếu năng lực về xúc tiến. Xúc tiến theo kiểu như hiện nay thì không bao giờ có được nhà đầu tư lớn, bởi xúc tiến mà quá ôm đồm, dàn trải, không tạo được niềm tin của nhà đầu tư.
Thứ hai là thiếu một chiến lược bài bản để kết hợp giữa phát triển kinh tế và xúc tiến đầu tư. Đằng sau bất kỳ một chương trình xúc tiến đầu tư hiệu quả nào cũng là một chiến lược bài bản. Đáng tiếc là hầu như không địa phương nào ở ĐBSCL đi xúc tiến có được yếu tố then chốt này.
Thứ ba là đơn vị đi xúc tiến có thực sự hiểu nhà đầu tư muốn gì và thế mạnh của mình là gì hay không? Vai trò của nhà xúc tiến đầu tư là kết nối được nhu cầu của nhà đầu tư với thế mạnh của mình, từ đó đưa ra những luận giải phù hợp, làm nhà đầu tư thấy tin tưởng và thuyết phục. Trái lại, nếu không hiểu gì về nhà đầu tư, không hiểu gì về thế mạnh so sánh của mình mà đi bán hàng thì chắc chắn không hiệu quả.
* Nhiều ý kiến cho rằng các tỉnh còn thiếu quyết sách cụ thể cho các nhà đầu tư, nói trải thảm đỏ chung chung nhưng không có chính sách cụ thể, hoặc ở trên nói thì hay nhưng ở dưới thì thủ tục nhiêu khê, rườm rà?
- Như tôi đã nói, môi trường đầu tư ở các tỉnh ĐBSCL đang sa sút so với các địa phương khác. Vì vậy, để cải thiện các tỉnh hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm của các địa phương thành công như: Bình Dương, Quảng Ninh và gần đây hơn là Bắc Giang.
Trong khuôn khổ chính sách chung của trung ương, các địa phương này vẫn có thể làm tốt hơn nhiều so với mặt bằng chung. Cán bộ mà không có động lực thì họ không phục vụ mà thay vào đó họ tìm cách vun vén kiếm lợi, mà như thế thì không thể thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp để phát triển địa phương.
Các địa phương cần có hệ thống chiến lược và chính sách mạch lạc, bài bản về thu hút đầu tư. Thực tế lâu nay khi nhìn vào bất kỳ một quy hoạch nào vừa công bố, rồi xem danh mục các dự án thu hút đầu tư thì có một danh sách dài dằng dặc các dự án ưu tiên thu hút đầu tư.
Có thể hiểu là các tỉnh đều có khát vọng phát triển, song vấn đề là phải có thứ tự ưu tiên; và chỉ khi đã xác lập được ưu tiên rồi thì mới có thể tập trung, nỗ lực đi thu hút đầu tư được. Còn làm cả trăm dự án chẳng khác nào đi quăng lưới khơi khơi chứ không có mục tiêu mạch lạc.
Cuối cùng, vai trò của lãnh đạo là then chốt. Người lãnh đạo mà tà tà, không sâu sát, không quyết liệt, đừng mong bên dưới sẽ triển khai quyết liệt.
* Hiện nay ĐBSCL đã có dấu hiệu tốt lên nhờ hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được triển khai. Theo ông, các địa phương cần tận dụng gì để thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm hạn chế ly hương?
- Việc phát triển hệ thống đường cao tốc từ TP.HCM về ĐBSCL chắc chắn sẽ đem đến nhiều cơ hội cho vùng, và cơ hội đó được thể hiện qua sự tăng trưởng vượt bậc của Long An. Tuy nhiên, có được cơ hội là một chuyện, còn khả năng tận dụng cơ hội lại là chuyện khác.
Khi có đường cao tốc, chi phí vận tải giảm, sự thuận lợi tăng lên, nhưng liệu có thể thực sự tạo ra tiền đề để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp hay không thì lại phụ thuộc vào chất lượng môi trường kinh doanh và đầu tư; tính mạch lạc và ưu tiên của chiến lược và chính sách; năng lực và sự quyết tâm của lãnh đạo; cơ chế khuyến khích cho bộ máy thực thi…
Về phương diện đầu tư, các tỉnh ĐBSCL cần đi bằng cả hai chân, một mặt phát triển doanh nghiệp trong nước, đồng thời tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Điều quan trọng là các tỉnh phải có nỗ lực vượt bậc nhằm phát triển các năng lực mới.
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL):
Phát huy thế mạnh kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển
Theo tôi, để giữ chân lao động, ĐBSCL cần tạo cơ hội việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt đối với người dân nông thôn. Cơ hội việc làm đó trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, trong đó vùng đang có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.
Cần có liên kết vùng và tiếp cận hình thức đầu tư công - tư (PPP) cụ thể cho từng chương trình, dự án ưu tiên đã được quy hoạch. Khi làm được những chương trình, dự án này thì sẽ tăng cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trong vùng, lúc đó sẽ thu hút họ ở lại tìm việc.