Hashrate (tỷ lệ băm) là chỉ số thể hiện sức mạnh tính toán của hệ thống khai thác trong mạng blockchain. Các thợ đào sử dụng máy tính mạnh để xử lý hàng triệu phép tính mỗi giây và nhận về Bitcoin. Dữ liệu từ Ycharts cho thấy tính đến đêm 9/10, hashrate toàn mạng Bitcoin là 272,81 triệu TH/s (triệu tỷ hash mỗi giây), tăng 2,34% so với ngày 8/10 ( 266,58 triệu TH/s) và tăng 129,9% so với cùng kỳ năm ngoái (118,67 triệu TH/s). Theo Finbold, hashrate của Bitcoin liên tục tăng kỷ lục là điều bất ngờ vì thị trường tiền mã hóa đang trong giai đoạn ảm đạm. Hiện mỗi Bitcoin được giao dịch quanh mức 20.000 USD, thấp hơn nhiều so với kỷ lục 69.000 USD vào tháng 11 năm ngoái.
Ở mùa đông Bitcoin trước vào năm 2018, thị trường đã chứng kiến hàng triệu máy đào đắp chiếu, phủ bụi khi đồng BTC lao dốc. Nhưng bây giờ, thợ đào vẫn liên tục tăng cường các cỗ máy khiến độ khó trong việc khai thác tăng cao.
Theo Coin Telegraph, có ba lý do chính có thể giải thích cho hiện tượng lạ này. Đầu tiên là cơn khát card đồ họa đã kết thúc, nguồn cung chip đã ổn định khiến giá các dàn máy đào rẻ hơn so với năm ngoái. Nhiều thợ đào quy mô lớn sẵn sàng chi tiền, nâng cấp máy để "đào bù" giai đoạn thiếu chip, bất chấp những tín hiệu ảm đạm của thị trường.
Ngoài ra, các nhà cung cấp những giàn máy đào chuyên dụng như Bitmain cũng hạ giá đáng kể. Tuy nhiên theo tính toán, thợ đào nhỏ phải mất ít nhất 15 tháng mới hoàn vốn, trong khi thợ đào quy mô lớn có thể "về bờ" sớm hơn vài tháng nếu giá Bitcoin ổn định. Tin tốt với thợ đào là công ty tiền điện tử lớn Grayscale đã tiết lộ kế hoạch đầu tư vào phần cứng khai thác Bitcoin. Điều này có thể giúp giá thiết bị chuyên dụng cạnh tranh hơn nữa trong tương lai. Nhưng tin xấu là càng nhiều người tham gia vào hệ thống, độ khó khai thác càng tăng và phần thưởng nhận về càng ít.
Nguyên nhân thứ hai là chính sách cởi mở của nhiều quốc gia với thợ đào. Dù giới nghiên cứu liên tục chỉ trích tác hại của Bitcoin đối với môi trường, không ít quốc gia vẫn quyết định bật đèn xanh với thợ đào. Đặc biệt là sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm khai thác tiền số, nhiều nơi như Kazakhstan, Canada và Đức chào đón nhóm thợ đào này. Kết quả là việc khai thác Bitcoin trở nên phi tập trung hơn, theo đúng tinh thần ban đầu của nó, thay vì bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge cho thấy chỉ ba tháng sau lệnh cấm vào tháng 6/2021, thợ đào Trung Quốc đã nối lại hoạt động khai thác dù quy mô không lớn. Georgia đang dẫn đầu khu vực đóng góp lớn nhất vào tỷ lệ băm Bitcoin với 30,8%, tiếp theo là Texas (11,2%), Kentucky (10,9%) và New York (9,8%).
Nguyên nhân cuối cùng đến từ cuộc đại tu Ethereum. Sau hợp nhất, thợ đào không thể khai thác ETH bằng các dàn trâu cày nên một số xưởng đào lớn đã chuyển từ khai thác Ethereum sang khai thác Bitcoin.
Mặc dù hashrate tăng sẽ giúp tăng cường an ninh mạng, tỷ lệ băm tăng cao đang khiến các thợ đào lo lắng về hiệu quả thu được từ việc đào Bitcoin trong bối cảnh thị trường ảm đạm.
(theo Coin Telegraph)