Chị Nguyễn Bích Nga là một nhân viên văn phòng tại TP HCM và chồng là kỹ sư công nghệ thông tin. Mức thu nhập của hai vợ chồng sau khi chi trả các khoản sinh hoạt phí có dư ra một số tiền nhỏ. Hai vợ chồng chị Nga thống nhất trích khoản tiền nhàn rỗi này để tham gia đầu tư vào một app tài chính với kỳ vọng sau vài năm nữa, hai vợ chồng có một số vốn để mua nhà. Tuy nhiên, trước thông tin UBCKNN cảnh báo các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tham gia các hình thức đầu tư thông qua app tài chính, chị Nga bày tỏ sự lo lắng.
Cụ thể, UBCKNN nêu rõ một số doanh nghiệp thiết lập các website, app giao dịch như Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF… có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Điều này đặt ra lo ngại về rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi có tranh chấp xảy ra sẽ không được pháp luật chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích.
Ở một số nước phát triển, mô hình chia nhỏ để đầu tư (fraction) đã khá phổ biến, thay vì phải đầu tư một số tiền lớn vào một nơi, họ có thể chia nhỏ tài sản đầu tư để đa dạng hóa danh mục mục đầu tư nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro. Ví dụ, bạn có thể bỏ ra 10.000 đồng để mua một cổ phiếu có giá 100.000 đồng, họ có thể mua được nhiều loại cổ phiếu khác nhau để giảm rủi ro tập trung tài sản vào một nơi.
Tại Việt Nam, nhu cầu tích lũy và đầu tư cũng rất phổ biến. Sự ra đời của các app tài chính như một điểm sáng của lĩnh vực Fintech nhằm đáp ứng nhu cầu tích lũy và đầu tư của người dân. Tuy nhiên, chính vì chưa có khung pháp lý rõ ràng cho các mô hình đầu tư qua ứng dụng, nhiều ứng dụng vẫn đang hoạt động trong vùng “xám” (sandbox), người dùng sẽ khó đánh giá được ứng dụng nào có đủ tính pháp lý và đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư.
Về phía nhà cung cấp dịch vụ, họ cũng không nhận định được trách nhiệm của mình là gì hoặc cố tình chối bỏ. Điều này đặt ra sự cấp thiết cần phải có cơ chế rõ ràng trong lĩnh vực Fintech. Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dùng, vừa khuyến khích những mô hình Fintech được hoạt động hiệu quả.
Cụ thể hiện nay, nếu nhà đầu tư muốn đầu tư tích lũy vào tài sản chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư, họ có thể đầu tư trực tiếp vào các app được vận hành bởi những quỹ đầu tư như VinaCapital - ứng dụng MiO, Daiichi Life Vietnam Fund Management - ứng dụng iTrust, Dragon Capital - ứng dụng DragonX. Ngoài ra người dùng cũng có thể mua tất cả các quỹ mở và sở hữu trực tiếp một cách tiện lợi hơn mà thông qua ứng dụng Fmarket, là nền tảng phân phối Chứng chỉ quỹ mở được UBCKNN cấp phép hoạt động vào năm 2018.