Gạo là lương thực chính của Việt Nam và nhiều nước Châu Á khác. Người Việt gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước và đặc trưng bữa ăn bao gồm cơm – rau – cá hoặc thịt. Do vậy, vai trò của cơm luôn được đề cao trong bữa ăn hằng ngày. Cơm không chỉ cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động nhịp nhàng mà còn giúp kiểm soát huyết áp và chống lại ung thư.
Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người lại cho rằng ăn cơm là nguyên nhân dẫn tới béo phì, các bệnh rối loạn chuyển hoá. Đây là một quan niệm sai lầm khiến cho cơm dần mất đi vị trí quan trọng trong bữa ăn.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) phân tích: "Trong bữa ăn cho động vật cao cấp như con người thì rất cần có carbohydrat (cơm). Lý do là hệ thần kinh trung ương của con người bắt buộc phải sử dụng glucoxit để duy trì hoạt động".
Cơm là thực phẩm quan trọng của người Việt.
"Thiếu carbohydrat cơ thể sẽ trở lên uể oải, ảnh hưởng tới sự nhanh nhạy của bộ não. Do vậy tất cả khuyến nghị dinh dưỡng cho người trưởng thành trong một ngày phải ăn 130 - 150 gr carbonhydrate để nuôi dưỡng cơ thể. Còn lại, khi chúng ta có thêm các hoạt động trí óc, thể lực thì cần phải bổ sung thêm carbohydrat".
Ngoài cung cấp cho hoạt động của cơ thể và bộ não, cơm còn giúp kiểm soát huyết áp. Do vậy, những bệnh nhân bị cao huyết áp được khuyến cáo không nên bỏ bữa.
Trong cơm cũng rất giàu các loại vitamin D, niacin, canxi, chất xơ, riboflavin, sắt và thiamine. Tất cả những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể này sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cân bằng các hoạt động chung của cơ thể.
Theo TS Hưng nói rằng vai trò của cơm trong khẩu phần ăn là rất quan trọng. Trong bữa ăn lành mạnh chúng ta phải cung cấp tối thiểu 50gr bột đường để nuôi dưỡng cơ thể. Hiện nay, một số người có trào lưu ăn ít tinh bột, thậm chí là không ăn để giảm cân. Cách ăn uống này về lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới cơ thể.
Trong quá trình hóa sinh, chất bột đường được chuyển hóa thành nước và CO2. Tuy nhiên, khi ăn ít cơm, thông thường mọi người sẽ phải tăng chất đạm, chất béo. Quá trình chuyển hoá các chất này sẽ tạo ra những chất không có lợi cho cơ thể. Để tốt cho sức khoẻ, mọi người nên bổ sung cân bằng, đa dạng các chất.
"Cơm là thực phẩm không thể thiếu với cơ thể. Tuy nhiên, chúng ta phải lựa chọn ăn uống làm sao cho hợp lý, cân đối", bác sĩ Hưng nói.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, phòng chống bệnh tật để có một thể lực khỏe mạnh, sức khỏe tốt, năng suất lao động cao và chất lượng cuộc sống tốt.
Bữa ăn gia đình chính vì vậy có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).