Trong năm 2021 vừa qua, giá vàng trong nước đã có hai đợt biến động mạnh diễn ra vào tháng 4 và tháng 11 đã đưa giá vàng trong nước chạm mức đỉnh 62,25 triệu đồng/lượng.
Trước đà biến động mạnh của giá vàng trong nước, không khó bắt gặp hình ảnh dòng người xếp hàng tại các cửa tiệm vàng để giao dịch mua bán. Điều này được đánh giá góp phần duy trì doanh thu ổn định cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong đó, đáng chú ý là hai đại gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng là SJC và PNJ. Thậm chí giá vàng SJC liên tục duy trì khoảng chênh lệch lớn với giá vàng thế giới. Có thời điểm khoảng chênh này lên tới cả chục triệu đồng/lượng.
Mặc dù vậy, doanh thu của SJC trong năm 2021 vẫn đi lùi so với năm liền trước. Cụ thể, báo cáo tài chính sau kiểm toán của SJC cho biết trong năm 2021 doanh thu chỉ đạt 17.689 tỷ đồng vẫn thấp hơn 24,7% so với năm 2020 (23.491 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh của SJC trong năm 2021 đi lùi so với năm liền trước
Trong khi đó, báo cáo tài chính đã kiểm toán của PNJ cho biết trong năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận mức doanh thu 19.735 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 11 năm.
Báo cáo tài chính đã kiểm toán của SJC cho thấy trong năm 2021 vừa qua, dù có doanh thu ngang ngửa với PNJ nhưng lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của SJC và PNJ có sự chênh lệch rất lớn.
Theo đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của SJC chỉ là hơn 131 tỷ đồng giảm gần 50% so với năm 2020, trong khi đó thì PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận tới 3.598 tỷ đồng. Tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2020.
Sau khi trừ các chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu vàng quốc gia vẫn “mỏng như lá lúa” khi chỉ đạt 43 tỷ đồng, giảm hơn 10 tỷ đồng so với năm 2020. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của PNJ ghi nhận 1.029 tỷ đồng, cao gấp 24 lần so với SJC.
Tính trung bình, mỗi tháng PNJ thu lãi khoảng 86 tỷ đồng, như vậy lợi nhuận sau thuế cả năm qua của SJC chỉ bằng khoản lãi thu được trong nửa tháng kinh doanh của PNJ.
Về việc lợi nhuận sụt giảm, trong Báo cáo tài chính, SJC giải thích đại dịch Covid-19 lây lan khiến giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến đứt gãy lưu thông, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến công ty. Trong năm qua, SJC đã đóng cửa một số cửa hàng và chi nhánh hoạt động không hiệu quả.
Trong khi đó, theo đánh giá của các CTCK, PNJ vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới nhờ nhu cầu đối với trang sức có thương hiệu ngày càng gia tăng, PNJ không có đối thủ lớn trong mảng bán lẻ trang sức có thương hiệu tại Việt Nam và PNJ đang mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực giàu tiềm năng khác như đồng hồ,...
Năm 2022, PNJ đặt mục tiêu kinh doanh với 25.835 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 1.320 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng hơn 32% và 28% so với thực hiện năm 2021. Đây cũng là con số mục tiêu cao nhất kể từ khi hoạt động của PNJ.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 10.143 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Trong kỳ, các khoản chi phí đều tăng. Trong đó, chi phí tài chính ở mức 35 tỷ đồng (tăng 36%), chi phí bán hàng 642 tỷ đồng (tăng 28%) và chi phí quản lý doanh nghiệp 176 tỷ đồng (tăng 15%).
Kết quả là PNJ ghi nhận lãi ròng 721 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Với kết quả này, PNJ đã hoàn thành tới 54% mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 3 tháng đầu năm 2022.