Ngày 20/12, Sony thông báo các dây chuyền trong nhà máy Fab 5 mới được xây dựng đã sẵn sàng vận hành. Đây là nhà máy mở rộng trong khuôn viên Trung tâm Công nghệ Nagasaki, chuyên sản xuất cảm biến hình ảnh CMOS quy mô lớn. Nikkei Asia dẫn lời chủ tịch Sony Hiroki Totoki cho biết diện tích của cơ sở sản xuất cảm biến ảnh của tập đoàn đã tăng 60% so với 2022. Hãng cũng đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy cảm biến mới ở tỉnh Kumamoto (Nhật Bản).
Theo giới phân tích, mở rộng công suất ở Nagasaki nhằm phục vụ nhu cầu của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc trong thời gian dài. Xiaomi và Oppo là hai khách hàng mục tiêu của Sony. Năm ngoái, Sony ra mắt cảm biến ảnh Lytia và Trung Quốc được xác định là thị trường trọng tâm, còn Nagasaki là trung tâm cung ứng. Ngoài mở rộng quy mô, Sony còn luân chuyển kỹ sư từ những trung tâm khác về Nagasaki nhằm liên tục cải tiến hiệu suất. Những động thái này cho thấy việc đặt cược vào smartphone Trung Quốc đã bước đầu cho kết quả lạc quan.
"Sony đang thúc đẩy doanh số bán hàng. Hãng tập trung vào máy ảnh và tìm mọi cách tối ưu hóa lợi nhuận từ thị trường này", nhà phân tích Yasuo Nakane của tập đoàn tài chính Mizuho Securities nói với Nikkei Asia.
Theo Digitimes, Nhật Bản đang cố gắng giành lại vị thế dẫn đầu trong mảng sản xuất chip và cảm biến. Các lĩnh vực liên quan đến công nghệ vật liệu và thiết bị bán dẫn sẽ được hưởng lợi về chính sách. Tuy nhiên, thách thức với các nhà sản xuất là thị phần liên tục giảm, trong khi các thay đổi của chuỗi cung ứng khiến họ đối mặt nhiều lựa chọn khó khăn. Để giải quyết vấn đề, ngoài mở rộng quy mô nhà máy, Sony đang tìm cách tự động hóa khâu hậu cần, kho bãi bằng AI để tiết kiệm nhân lực, nâng cao hiệu suất làm việc.
Việc đặt cược vào smartphone Trung Quốc của Sony diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn dự kiến giảm 13% xuống còn 6,1 tỷ USD khi năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024. Lợi nhuận của ngành bán dẫn bị giảm 8%. Một trong những lý do chính là Huawei, một khách hàng lớn của Sony và từng là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới về doanh số, đã lao dốc sau lệnh cấm vận của Mỹ.