Thời sự

Vì sao chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt giam?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động tối 5-4, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng 6 bị can khác về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Che giấu thông tin, phát hành lãi suất cao

Sáu bị can này gồm: Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung Điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và Phùng Thế Tính, nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, kết quả điều tra xác định từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên (Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư - Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông) và các công ty liên quan phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra đang tập trung lực lượng để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng vụ án và thu hồi tài sản.

Để bảo đảm hoạt động bình thường của tập đoàn, ông Đỗ Anh Dũng đã ủy quyền cho ông Đỗ Hoàng Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, điều hành Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng của nhóm công ty liên quan Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Lý do là vì nhóm công ty Tân Hoàng Minh có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. UBCKNN yêu cầu các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm dừng chuyển quyền sở hữu lượng trái phiếu trên.

Theo tìm hiểu của phóng viên từ dữ liệu công bố trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp (DN) của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), các Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Công ty CP Đầu tư - Dịch vụ Khách sạn Soleil (là các công ty chưa đại chúng) đã chào bán riêng lẻ 9 lô trái phiếu DN trong thời gian từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022. Trong đó, đã công bố thông tin phát hành 8 lô trái phiếu DN từ tháng 7-2021 đến tháng 12-2021, còn 1 lô trái phiếu chưa công bố trên cổng thông tin này.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đã có 2 đợt phát hành trái phiếu DN. Ở đợt đầu tiên vào ngày 5-7, DN này phát hành lô trái phiếu với tổng giá trị 800 tỉ đồng, lãi suất cố định 12%/năm cho 4 kỳ thanh toán đầu tiên. Điều đáng lưu ý là toàn bộ số lượng trái phiếu này được bán hết cho 1 nhà đầu tư tổ chức, chính là Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Đến ngày 20-9, công ty này tiếp tục phát hành 19 triệu trái phiếu với tổng giá trị 1.900 tỉ đồng, lãi suất cố định 11,5%/năm. Công ty Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil phát hành 3 lô trái phiếu trị giá 1.750 tỉ đồng. Thời gian phát hành từ ngày 6-7 đến 1-11-2021, với mức lãi suất huy động từ 11,5% đến 12%/năm. Trong khi đó, Công ty Cung Điện Mùa Đông huy động được nguồn vốn lớn nhất với 3 lô, tổng trị giá 3.680 tỉ đồng. Đáng chú ý, ngày 16-12, công ty này thông báo phát hành lô trái phiếu với tổng trị giá lên tới 3.230 tỉ đồng.

Nhìn chung, các đợt phát hành trái phiếu của nhóm công ty Tân Hoàng Minh có lãi suất khá cao, từ 11,5%-12%/năm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trái phiếu của các DN bất động sản khác chỉ vào khoảng 8%-10%/năm.

Về mục đích phát hành trái phiếu, trong các thông báo đã công bố, nhóm công ty Tân Hoàng Minh cho biết sử dụng vốn để góp vốn đầu tư vào các dự án bất động sản ở Hà Nội và Phú Quốc (Kiên Giang). Cụ thể, theo công bố, lô trái phiếu trị giá 1.900 tỉ đồng được tập đoàn này "rót" vào dự án xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) - 1 dự án đã dang dở 20 năm nay. Số trái phiếu trên được bảo đảm bằng quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, bao gồm lợi thế quyền sử dụng đất, công trình xây dựng dự kiến hình thành trong tương lai tại dự án phía Nam đường Đại Cồ Việt và 12,5% vốn góp (tương đương 200 tỉ đồng) tại Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, dự án nêu trên đang "án binh bất động".

Ở các lô trái phiếu khác, Công ty CP Đầu tư - Dịch vụ Khách sạn Soleil trong các đợt phát hành đều nêu rõ mục đích hợp tác kinh doanh dự án Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải tại xã Dương Tơ, Phú Quốc. Công ty CP Cung Điện Mùa Đông ngày 22-11 phát hành 2 lô trái phiếu với tổng trị giá 450 tỉ đồng cũng để đầu tư vào dự án này tại Phú Quốc. Như vậy, có tổng cộng 2.200 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu được công bố sẽ rót vào dự án khu phức hợp Hoàng Hải tại Phú Quốc.

Đáng chú ý, trong thông báo gửi cơ quan quản lý về việc phát hành trái phiếu ngày 16-12 với trị giá lên tới 3.230 tỉ đồng, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông không nêu rõ mục đích phát hành. Về mốc thời gian là ngày 16-12, chỉ sau vài ngày khi Tân Hoàng Minh trúng đấu giá các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM) với mức giá cao kỷ lục.

Vì sao chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt giam? - 1

Một dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh ở Hà Nội. Ảnh: MINH CHIẾN

Nhiều nghi vấn

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đánh giá việc hủy các lô trái phiếu đã phát hành của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ ảnh hưởng đến thị trường chung nhưng không quá lớn. Việc hủy phát hành có thể đã được các bên liên quan phần nào tiên lượng được sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh quyết định bỏ cọc các lô đất đã đấu giá ở Khu đô thị Thủ Thiêm.

Vấn đề hiện tại là nhà đầu tư sẽ được bồi hoàn theo quy định chung của Luật Chứng khoán; những công ty chứng khoán là đơn vị tư vấn phát hành sẽ được hoàn phí ra sao? Đồng thời, vụ việc cũng đề cập trách nhiệm của các bên liên quan về chất lượng thông tin.

"Có điều, sau vụ việc này, càng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn về công bố thông tin, bản cáo bạch của các đơn vị phát hành và cũng thúc giục thị trường cần có công ty xếp hạng tín nhiệm. UBCKNN cũng cần làm rõ hơn về thẩm tra về tính hợp pháp của đơn vị phát hành, làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia" - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Một chuyên gia tài chính, bất động sản đặt vấn đề các đơn vị phát hành trái phiếu đó sử dụng nguồn vốn huy động để làm gì? Có đúng với mục đích công bố và công khai với trái chủ không, hay chỉ làm cho đẹp hồ sơ phát hành nhằm qua mặt đơn vị tư vấn cũng như cơ quan quản lý là UBCKNN? Chuyên gia này cũng cho rằng cơ quan chức năng đã lỏng lẻo trong quản lý, giám sát mục đích phát hành trái phiếu. Do đó, cần siết chặt về trách nhiệm của các bên để tránh việc đơn vị phát hành trái phiếu làm lũng đoạn thị trường tài chính.

TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, chỉ ra lỗ hổng trong các quy định về phát hành trái phiếu. Cụ thể, Nghị định 153/2020 đã quy định chặt chẽ hơn về phát hành trái phiếu, trong đó nhấn mạnh mục đích phát hành, đồng thời thu hẹp đối tượng nhưng câu chuyện đơn vị thẩm định hồ sơ, giám sát hoạt động phát hành này có thẩm quyền tới đâu, giám sát thế nào mới quan trọng thì chưa nói rõ.

"Cơ quan quản lý chứng khoán không có chức năng thẩm định cụ thể như ngân hàng và dù được phép yêu cầu các đơn vị phát hành trái phiếu phải báo cáo tiến độ sử dụng vốn sau 6 tháng phát hành nhưng vấn đề là báo cáo theo thực tế, hoạt động cụ thể hay chỉ báo cáo theo hồ sơ đăng ký phát hành? Nếu chỉ báo cáo theo hồ sơ đăng ký phát hành sẽ không chặt chẽ trong giám sát, rất dễ dẫn tới lỏng lẻo trong khâu kiểm tra. Có thể nói lâu nay, hoạt động phát hành trái phiếu DN chưa được giám sát chặt chẽ, nhất là giám sát dòng tiền huy động để phát hành có đúng như đăng ký trong hồ sơ hay không hay chỉ là cơ cấu nợ…" - TS Lê Đạt Chí băn khoăn. 

Tân Hoàng Minh đề xuất 2 phương án hoàn tiền

Ngày 5-4, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có thông tin phản hồi về việc UBCKNN vừa công bố hủy bỏ 9 đợt trái phiếu của nhóm công ty thuộc tập đoàn. Theo đó, tập đoàn này cho biết các đợt phát hành trái phiếu của nhóm công ty thành viên thời gian vừa qua đều được tư vấn phát hành, tư vấn định giá và quản lý tài sản bảo đảm theo đúng trình tự quy định bởi các công ty chứng khoán, ngân hàng uy tín trên thị trường.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang làm việc với đơn vị tư vấn luật để rà soát lại các hồ sơ phát hành trái phiếu của 9 đợt phát hành như công bố hủy bỏ của cơ quan quản lý. Trường hợp một trong các đợt phát hành này phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, tập đoàn sẽ làm việc với DN phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước để hoàn trả lại số tiền đã huy động cho khách hàng theo đúng quy định pháp luật.

Trong thông báo phát đi, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng dự kiến tiến trình xử lý hoàn trả tiền đến khách hàng. Đối với các hợp đồng đến hạn, trong trường hợp trái chủ không có nhu cầu tái tục đầu tư, số tiền đầu tư sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất.

Đối với các hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với DN phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại khách hàng theo quy định...

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết theo quy định tại khoản 3, điều 28, Luật Chứng khoán, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng trên 1 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 3 số liên tiếp và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành, đồng thời hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng hành vi "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", cụ thể là trong việc phát hành trái phiếu của nhóm công ty Tân Hoàng Minh, nếu không cấu thành tội phạm theo quy định tại điều 109, Bộ Luật Hình sự năm 2015 thì không thuộc trường hợp nào trong 2 trường hợp bị đình chỉ chào bán chứng khoán theo quy định tại khoản 1, điều 27 về "Đình chỉ chào bán chứng khoán ra công chúng", cũng không thuộc trường hợp nào trong số 3 điều kiện hủy bỏ chào bán theo quy định tại khoản 1, điều 28 về "Hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng", Luật Chứng khoán năm 2019.

Nghị định 153/2020/NĐ-CP "Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế" cũng không quy định nào về việc hủy bỏ phát hành trái phiếu. Trường hợp này, muốn hủy bỏ việc phát hành trái phiếu thì phải theo bản án hay quyết định của tòa án hoặc trọng tài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, điều 27 nêu trên.

Do đó, theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu Tân Hoàng Minh không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án thì sẽ rất khó xử lý, các bên sẽ phải ra tòa để tiếp tục vụ việc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm