Tài chính

Tham gia bảo hiểm nhân thọ: "Chòng chành" giấc mơ du học

Ngay từ những ngày đầu hình thành thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tại Việt Nam, bên cạnh yếu tố bảo vệ rủi ro, bệnh tật, chăm sóc sức khỏe thì một ý nghĩa khác của BHNT mà các tư vấn viên thường chia sẻ với khách hàng đó chính là tích lũy quỹ học vấn và ước mơ du học cho con cái. Sau hơn 20 năm phát triển, ngành BHNT hiện nay dường như vẫn "chòng chành" với giấc mơ du học cho con em khách hàng. Và sự thật về câu chuyện mua BHNT với hành trình du học có mối liên hệ như thế nào mà không ít người trong ngành vẫn rôm rả tư vấn cho khách hàng?

Trước tiên, chúng ta cần xác định với nhau rằng mức chi phí cần thiết cho một du học sinh hiện nay là bao nhiêu? Theo các công ty cung cấp dịch vụ du học và thực tế từ nhiều du học sinh đang học tập ở nước ngoài, mức chi phí để học tập đại học tại một trường chất lượng ở các nước phát triển tầm khoảng trên dưới 5 tỷ đồng. Ở đây bao gồm học phí, sinh hoạt phí và các chi phí khác có liên quan; chưa xét đến tài trợ, học bổng hay việc du học sinh đi làm thêm. Ở mỗi trường và mỗi quốc gia có mức chi phí khác nhau, tùy thuộc vào quốc gia, ngành học và danh tiếng của trường mà bạn định theo học. Tuy nhiên, đó là mức phí thời giá hiện hành. Còn nếu bây giờ bạn tham gia BHNT cho kế hoạch du học trong khoảng sau 15 – 18 năm nữa cho con của bạn thì phải dự phòng thêm các yếu tố lạm phát, xu hướng học phí và sinh hoạt phí tăng trong tương lai.

Như vậy, khách hàng thường tự hỏi, muốn đủ số tiền du học cho con em sau này thì nên tham gia mức phí tầm bao nhiêu/năm thì đủ? Không ít tư vấn viên tư vấn với bạn chỉ cần để dành vài chục, vài trăm nghìn mỗi ngày là đủ cho một kế hoạch du học hoành tráng. Tuy nhiên, trên thực tế để có số tiền đủ để cho con bạn đi du học sau này thì mức phí tham gia BHNT tầm khoảng vài trăm triệu/năm trở lên. Thậm chí tư vấn viên tư vấn các sản phẩm liên kết đầu tư (ILP) với tỷ suất lợi nhuận "có cánh" vài chục phần trăm đi nữa cũng không thể có việc tham gia vài chục nghìn/ngày mà đủ. Còn nhớ những năm 2000, nhiều tư vấn viên tư vấn tham gia BHNT vài triệu/năm là sau này "dư sức" cho con học đại học. Tuy nhiên, trên thực tế những khách hàng tham gia với mức vài triệu đồng/năm cách đây 15 – 20 năm thì khi đáo hạn đều…vỡ mộng. Vì giá trị hoàn lại chỉ tầm khoảng trên dưới 100 triệu, mức chỉ đủ đóng học phí 1-2 năm cho sinh viên trong nước đối với các trường chất lượng.

Và vì sao có sự chênh lệch giữa giá trị hoàn lại khác với mong muốn của khách hàng như thế? Bởi lẽ, khi tư vấn cho khách hàng, tư vấn viên lấy thời giá tại thời điểm tư vấn (giả sử thời giá năm 2000, khi học phí chỉ vài trăm ngàn/năm) và "fix" cố định cho câu chuyện 20 năm sau là điều không phù hợp. Rồi cũng không ít khách hàng khi đáo hạn hợp đồng lại so sánh đầy tiếc nuối với …giá vàng. Cụ thể, giá vàng thế giới năm 2000 chỉ ở mức 272 USD/ounce, tương đương 6,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, hiện nay giá vàng có lúc chạm ngưỡng 2.000 USD/lượng, tương đương 55,4 triệu đồng/lượng. Thậm chí giá vàng SJC trong nước có lúc đạt mức 74 triệu đồng/lượng…Nghĩa là sau hơn 20 năm, giá vàng tăng khoảng trên dưới 10 lần so với thời điểm năm 2000. Tuy nhiên, câu chuyện khách hàng tham gia BHNT ở đây bằng VNĐ chứ…không phải đóng phí bằng vàng. Tương tự, nếu không so sánh với vàng mà so sánh với USD thì câu chuyện cũng tương tự do VNĐ mất giá so với USD. Và bảo hiểm cũng cần xét đến chi phí bảo vệ rủi ro chứ không phải là kênh tiết kiệm, đầu tư thuần túy. Nhưng tâm lý người dân vẫn thường đem ra so sánh như thế.

Trở lại câu chuyện tham gia BHNT và du học, ngày trước có không ít tư vấn viên ngây ngô tư vấn cho khách hàng là tham gia BHNT sẽ được chọn học ở trường danh tiếng A, trường danh tiếng B ở nước ngoài. Thật sự tham gia BHNT chỉ có ý nghĩa đảm bảo một phần tài chính cho du học sinh chứ không có nghĩa là tham gia BHNT là đương nhiên được nhận vào một trường đại học danh tiếng nào đó tại nước ngoài. Hiện nay, để được nhận vào học ở một trường đại học danh tiếng bạn phải đáp ứng các điều kiện: một là giành được học bổng; hai là phải đạt về trình độ ngoại ngữ, vượt qua kỳ phỏng vấn, bài luận, có người giới thiệu, và chứng minh tài chính đủ để tham gia suốt khóa học,…Cho nên, việc tham gia BHNT chỉ ý nghĩa một phần như một sổ tiết kiệm để chứng minh khả năng tài chính mà thôi. Và như đã nói, chỉ khi tham gia BHNT với mức phí hàng năm đủ lớn (khoảng vài trăm triệu/năm) thì mới dám nghĩ đến mộng du học cho con em trong tương lai.

Tham gia BHNT để chuẩn bị kế hoạch du học cho con cái là ước mơ của không ít phụ huynh. Bởi vì khách hàng vừa mong muốn bảo vệ con cái trước mọi rủi ro, sức khỏe và lớn hơn là muốn con được đảm bảo tương lai du học ở các nước phát triển. Hiện nay, cũng có một số công ty quan tâm sản phẩm BHNT du học nhưng chưa có một sản phẩm đúng nghĩa như khách hàng mong muốn. Mà các sản phẩm BHNT chỉ dừng lại ở mức chuẩn bị nguồn tài chính như một quyển sổ tiết kiệm chứ hợp đồng BHNT không phải đảm bảo "vé thông hành" vào cổng Đại học Havard, Stanford, Cambridge hay Oxford,…như mong muốn của nhiều khách hàng.

Trên thực tế, sau khi không thể đánh vào lòng trắc ẩn, không đem rủi ro, bệnh tật, tai nạn ra làm "công cụ bán hàng"; không ít tư vấn viên đã đánh vào lòng thương con của các bậc cha mẹ để chào mời BHNT với giấc mơ du học lấp lánh cho các gia đình khách hàng. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các công ty BHNT cần liên kết, hợp tác với các trường đại học nước ngoài để thiết kế một sản phẩm BHNT kết hợp du học chuyên biệt cho khách hàng có điều kiện tài chính tốt. Trước kỳ vọng lớn lao của khách hàng, ngành BHNT cần hành động để đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh trường hợp tư vấn viên tư vấn quá "phiêu" đến mức sai sự thật về BHNT và du học như thời gian qua.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm