Cách đây vài năm, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Hokkaido, Nhật Bản đã thực hiện một thí nghiệm trên đàn kiến đen gồm 30 con để quan sát sự phân chia nhiệm vụ trong quá trình kiếm ăn.
Họ phát hiện ra, hầu hết những con kiến đen đều hoạt động liên tục và siêng năng để tìm kiếm thức ăn về tổ. Trong khi đó, số ít còn lại chỉ biết quẩn quanh trong tổ cả ngày mà không làm gì. Nhóm nghiên cứu đã đánh dấu số kiến ở lại tổ này và đặt tên là "những chú kiến lười biếng".
Tuy nhiên khi các nhà sinh vật học triệt bỏ nguồn thức ăn cũ, các chú kiến thường ngày siêng năng bỗng trở nên ngơ ngác không biết làm gì. Khi này những "chú kiến lười" bất ngờ xuất đầu lộ diện, dẫn đàn kiến đến nguồn thức ăn mới. Hóa ra những "chú kiến lười" lại không hề lười biếng, chúng có vẻ nhàn rỗi nhưng thực chất dành phần lớn thời gian cho việc do thám và nghiên cứu, quan sát được điểm yếu của bầy đồng thời đảm bảo rằng cả đàn liên tục có được nguồn thức ăn mới.
Đây là cơ sở cho sự ra đời của "Hiệu ứng kiến lười biếng": Điểm khác biệt lớn nhất giữa người với người không phải mức độ nỗ lực mà là tư duy. Không chịu tư duy, suy nghĩ kỹ càng, tất cả sự chăm chỉ cần cù đều không có tác dụng.
Gần đây trên trang hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu có câu hỏi: "Tại sao tôi làm việc chăm chỉ mà vẫn không thể thành công?". Câu trả lời được đánh giá cao nhất chính là: "Không phải chăm chỉ là vô ích, chỉ là bạn đang nỗ lực không hiệu quả".
Một bài báo có tiêu đề "Sự bối rối trong thế hệ chúng ta" từng gây xôn xao dư luận Trung Quốc, có đoạn viết: "Hầu hết mọi người đều có vẻ siêng năng, nhưng nhiều trong số đó là lười biếng trong suy nghĩ. Việc thức đêm đọc sách, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, chẳng có thời gian nghỉ ngơi... chẳng có gì đáng khoe bởi việc này ai cũng có thể nỗ lực hơn bạn gấp trăm lần".
Một người lười suy nghĩ thường sẽ khiến mọi việc rơi vào sự tầm thường. Nếu loại bỏ được sự siêng năng chất lượng thấp và hình thành thói quen suy nghĩ là bước đầu tiên thay đổi cuộc sống của chính bạn.
Người từng lập kỷ lục Guinness về số xe hơi bán nhiều nhất với 13.000 chiếc, Joe Girard, từng bỏ học đi làm ở tuổi 16. Trước khi trở thành một người bán hàng chuyên nghiệp, dù làm việc rất chăm chỉ nhưng ông chưa bao giờ đạt được thành tựu gì.
Trong 20 năm đầu tiên, giống như nhiều người trẻ, Gillard rất siêng năng làm việc, hễ thấy ngành nào dễ kiếm tiền là ông lập tức lao vào.
Ở tuổi 35, Gillard không đạt được sự thành công như mong muốn. Thay vào đó, sức khỏe ngày càng giảm sút, không chỉ mắc bệnh hen suyễn nặng mà còn phải gánh khoản nợ 60.000 USD. Từ đó, ông bắt đầu nghiêm túc nhìn nhận lại những gì đã làm và phát hiện ra, từ trước tới nay bản thân chỉ muốn kiếm tiền nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc kiếm tiền như thế nào để ổn định và bền vững.
Sau đó, Girard bắt đầu làm việc tại một đại lý ô tô với tư cách thực tập sinh. Ông ghi chép lại tất cả những kiến thức học được vào thời gian này, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và tích lũy các mối quan hệ khi bán hàng. Trong ba năm tiếp theo, Girard vẫn kiên trì với công việc mà không thay đổi ngẫu hứng như trước nữa. Cuối cùng ông trở thành người bán hàng tốt nhất năm ở đại lý này với 1.425 chiếc xe được bán ra, đồng thời phá kỷ lục Guiness về doanh số bán xe 12 năm tiếp đó.
Đúc kết kinh nghiệm bán hàng của mình, Girard chia sẻ: "Khoảng cách lớn nhất giữa con người với nhau không phải là mức độ nỗ lực, mà là chiều sâu của suy nghĩ. Không có suy nghĩ sâu sắc, tất cả nỗ lực đều vô ích".
Thực tế, phần lớn chúng ta đều giống Girard ở giai đoạn đầu, cố gắng chăm chỉ nhưng không có định hướng, không có ưu tiên và không đủ kiên trì.
Nhà báo người Mỹ Barbara Ehrenreich từng tiến hành khảo sát, phát hiện ra đa số những lao động cấp thấp đều chăm chỉ làm việc. Để kiếm nhiều tiền hơn, họ sẵn sàng làm những công việc mà người khác không dám làm. Nhưng họ dành rất nhiều thời gian và năng lượng vào công việc có tính lặp lại cao mà không có chỗ cho sự phát triển. Vì vậy, không còn thời gian để suy nghĩ về cách thay đổi số phận của chính mình.
Nhà tâm lý học người Mỹ Roy F. Baumeister từng đưa ra một lý thuyết nổi tiếng mang tên: "Sự cạn kiệt bản ngã". Lý thuyết này giải thích, dù con người không làm gì cả nhưng mọi biến đổi của thế giới bên ngoài đều có thể phá vỡ nhịp điệu cuộc sống và tiêu hao năng lượng tâm lý. Một khi năng lượng tâm lý bị suy giảm, năng lực điều hành cũng bị suy giảm theo khiến nhiều người mệt mỏi và không được thỏa mãn sau một ngày làm việc vất vả. Vì vậy, làm việc chăm chỉ nhưng không thu được thành tựu gì, thậm chí còn kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.
"Cần thoát ra khỏi sự cần cù máy móc, thoát ra khỏi khuôn mẫu tư duy rập khuôn. Đừng làm việc chăm chỉ hơn, hãy làm việc ít và thông minh hơn", Roy F. Baumeister nói.
(Theo zhuanlan)